Theo kết quả khảo sát nói trên, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, đa số các doanh nghiệp đã bị sụt giảm đơn hàng từ 35 - 50% (bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu).
Thông tin từ các doanh nghiệp cá tra cho thấy, trong tháng 1, xuất khẩu cá tra sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc gần như bị gián đoạn hoặc ngưng trệ.
Đầu tháng 3, khi Covid-19 lan rộng sang châu Âu, khách hành ở nhiều nước thuộc khu vực này đã tạm dừng mọi giao dịch do nhà hàng, khách sạn đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh.
Đến giữa tháng 3, nhiều đơn hàng từ Trung Đông, châu Á, Nam Mỹ cũng bắt đầu bị hủy hoặc thông báo tạm ngừng mua.
Ở mặt hàng tôm, đã có 35 - 50% đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách hàng không bán được. Tại nhiều thị trường, các nhà cung cấp đã giảm giá bán tôm từ 25 - 30%, nhưng cũng không thể kích cầu. Hiện tại, trong kho lạnh của cả nhà xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều đang đầy tôm và không còn chỗ để chứa sản phẩm mới.
Các doanh nghiệp hải sản cũng đang gặp khó khăn không kém so với doanh nghiệp tôm, cá tra. Dịch bệnh không chỉ gây khó khăn lớn cho xuất khẩu mà còn khiến cho các doanh nghiệp thủy sản (trừ ngành hàng cá tra), bị thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn đang có gắng duy trì công ăn việc làm cho công nhân bằng cách phân chia lại lịch làm việc, đào tạo lại tay nghề cho người lao động để có khả năng làm được nhiều mặt hàng.