Nuôi ước mơ làm giàu
Anh Vớ gắn bó với nông nghiệp từ nhỏ và luôn ước có một ngày anh sẽ làm giàu chính trên mảnh đất quê nhà. Anh luôn tìm, hỏi những giống cây nông nghiệp có hiệu quả kinh tế ở khắp nơi về trồng để cải thiện thu nhập. Hết trồng lúa rồi lại chuyển sang trồng màu nhưng thành công vẫn chưa đến với anh.
Giống chuối tây Thái Lan. Ảnh minh họa
Nhiều năm trăn trở ngược xuôi, tình cờ năm 2015, trong một lần địa phương tổ chức cho nông dân đi thăm quan mô hình trồng chuối tây Thái Lan ở Hưng Yên, tận mắt thấy giống cây này phát triển tốt, rất phù hợp với đồng đất Vĩnh Bảo và có thể đem lại hiệu quả cao cho nông dân, anh Vớ quyết định bắt tay vào trồng loại cây này trên quy mô lớn.
Không những bỏ tiền thuê lại hết số diện tích trồng lúa kém hiệu quả của người dân trong xã đã bỏ hoang nhiều năm, anh còn chuyển số diện tích 3ha đang cấy lúa của trang trại sang hình thức kết hợp: trên trồng chuối, dưới vẫn cấy lúa.
Do đặc điểm của cây chuối cần được giữ ẩm thường xuyên, anh đào ao lấy nước từ đầu nguồn ngay cạnh vườn chuối để chủ động cung cấp nước đầy đủ. Ở miền bắc nước ta hay có hiện tượng sương muối nên che lưới ngăn sương muối, chống lạnh thì chuối lớn rất nhanh, sớm ra buồng. Chuối tây Thái Lan trồng sau 15 tháng là được thu hoạch. Để chuối không bị gãy gục khi mùa gió bão, anh Vớ đã huy động cả nhà và thuê lao động địa phương làm cột chống cho cây.
Anh Vớ đã chủ động liên kết với một công ty bao tiêu sản phẩm, được hướng dẫn về kỹ thuật và cách chăm sóc cây. Ảnh: Thu Thủy
Sản phẩm sạch hoàn toàn
Trong suốt quá trình trồng chuối, anh Đỗ Văn Vớ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân hóa học mà bón cây hoàn toàn bằng phân hữu cơ được làm từ hạt đậu tương. Mỗi giai đoạn sinh trưởng của chuối đều có kỹ thuật phù hợp từ chăm sóc, vệ sinh, tỉa dọn cây và được bón chủ lực từ phân hữu cơ được xay ủ từ hạt đậu tương Nhật Bản do đơn vị bao tiêu sản phẩm cho ông hướng dẫn.
Trước lúc trồng, mỗi gốc bón lót 0.5 -1kg vi sinh hữu cơ bã đậu tương, khi chuối tây bén rễ hồi xanh thì bón theo tỷ lệ: 1kg dùng cho 25- 30 gốc chuối. Đến giai đoạn chuẩn bị ra quả thì bón thúc 2 đợt, cứ 1kg bón cho 7-8 gốc. Đến thời kỳ ra bắp chuối thì 1kg mang bón cho 5 gốc để cho quả to và đồng đều.
Với thời tiết của miền Bắc từ tháng 4 đến tháng 7 thường tập trung các cơn bão, nếu chuối trỗ vào giai đoạn này thường là bị chín non. Để tránh bão, người trồng chuối phải tính toán sao cho chuối ra buồng vào giai đoạn tháng 9-10 thì sản lượng đạt tốt nhất.
Anh Vớ chia sẻ: “Suốt quá trình chăm sóc, tôi nhận thấy rằng trồng cây chuối có nhiều ưu điểm như: dễ trồng, thích nghi được với mọi loại đất. Nếu chăm sóc tốt, cho ra buồng được 80% trên tổng số cây thì sẽ cho thu hoạch từ 25 -30 triệu/ sào, hiệu quả hơn nhiều lần trồng rau màu”. Ảnh: Thu Thủy
Theo kinh nghiệm của anh Vớ, trong thời gian thu hoạch chuối, chuối mẹ sẽ cho ra các cây con nhưng chỉ nên để lại một cây tiếp theo và chăm bón như ban đầu, sau 3 vụ thu hoạch sẽ phải đốn bỏ hoàn toàn để trồng lại. Có như vậy, cây chuối mới cho thu hoạch với sản lượng cao nhất.
Bán được cả lá và hoa
Năm nay, chỉ còn vài tháng nữa là gia đình anh Vớ bước vào mùa thu hoạch, mỗi cây chuối cũng cho khoảng từ 25-30 kg chuối quả. Dự kiến, 2000 cây chuối tây hiện nay cho thu hoạch từ 90-100 tấn quả với giá bán 10 nghìn/ kg. Mỗi năm, trừ mọi chi phí gia đình cũng thu về từ 300- 450 triệu đồng.
Cây chuối tây Thái Lan không chỉ cho thu hoạch từ quả mà còn thường xuyên được thu hoạch lá để phục vụ các cơ sở chế biến giò, gói bánh…
Hoa chuối khi đã trổ đủ lượng quả trên cây còn được cắt bán cho thương lái thu mua để cung cấp cho các nhà hàng, các gia đình có cỗ... Hoa chuối vừa là nguồn đặc sản, vừa là nguồn rau sạch không phải lúc nào cũng có nên khách phải đặt hàng từ trước.
Tác giả bài viết: Thu Thủy
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn