Theo giới thiệu của Hội Nông dân huyện Lạc Sơn, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN tìm đến vườn dổi của anh Bùi Văn Nhỏ ở xóm Be Trên, xã Chí Đạo.
Nhiều hộ gia đình ở xã Chí Đạo đã ăn nên làm ra từ trồng dổi lấy hạt.
Khi được hỏi về sản lượng hạt dổi 1 năm cung cấp ra thị trường bao nhiêu tấn?. Anh Nhỏ Chia sẻ: "Năm nay gia đình tôi tiếp tục trúng vụ hạt dổi với sản lượng thu được gần 1 tấn hạt. Tôi trồng với 100 cây dổi trên diện tích hơn 3.000 m2 đất vườn, trong đó 80 cây đã cho thu hoạch hạt".
Theo anh Nhỏ, hạt dổi để được đến 4 năm, chẳng bao giờ thiu hay ảnh hưởng đến chất lượng. Khi chưa bán được giá, anh cất hạt đổi vào bồ. Đợi vài tháng sau, hạt dổi được giá anh mới xuất bán. Ở vùng này, anh Nhỏ chưa có cây nào mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây dổi.
Diện tích vườn dổi của gia đình anh Nhỏ có những cây được trồng từ đời ông, đời cha đã cho ăn hạt. Những cây dổi này càng về sau càng sai hạt, có cây cho thu 2 - 3 tạ hạt/vụ. Những cây dổi này thân to như cái cột nhà và trở thành một loại gỗ quý dùng để làm nhà, đóng những đồ mộc sang trọng...
Đối với diện tích cây dổi anh mới trồng thì chu kỳ khai thác sản lượng ít hơn, bình quân 20 - 30 kg hạt/cây. Trồng dổi quý này rất nhàn, anh không phải tốn phân bón, nước tưới đều đẳn như các loại cây trồng khác.
Sau khi thu hoạch dổi, người dân tách hạt và gọi điện cho thương lái đến thu mua.
Bởi cây dổi có thể phát triển khỏe mạnh ở các vùng đất khô cằn, đồi dốc nên chi phí đầu tư rất ít. Mỗi năm anh Bùi Văn Nhỏ thu hơn 300 trăm triệu đồng từ bán hạt dổi, xây được nhà cửa khang trang và sắm được ô tô phục vụ công việc, sinh hoạt của gia đình.
Không riêng gì xóm Be Trên, mà ở xóm Be Ngoài thuộc xã Chí Đạo cũng có nhiều hộ đứng đầu về diện tích và nguồn thu nhập cao từ cây dổi quý, như: Gia đình ông Bùi Văn Lực, Bùi Văn Chụn với số lượng dổi trồng cả mới và cũ đến hàng trăm cây. Cây dổi không tốn nhiều công sức chăm sóc, chỉ việc thu hoạch, đem bán là về tay hàng trăm triệu đồng. Với số lượng cây hiện có, mỗi năm ông Lực và ông Chụn có thu nhập bình quân từ 250 - 300 triệu đồng/vụ.
Hiện nay xã Chí Đạo có 40 ha trồng cây dổi với trên 15.000 cây dổi các tuổi đời khác nhau.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Bùi Văn Chụn, cho hay: “Trồng dổi sau 8 - 10 năm là có thể cho thu hoạch quả. Thời gian chờ thu hoạch tuy dài nhưng lại ít chi phí chăm sóc, bởi cây dổi rất dễ sống, đất cằn cỗi, sỏi đá đều có thế trồng được. Khi đến vụ thu hoạch giá bán hạt dổi rất cao, đầu ra ổn định nên gia đình tôi không lo ế hàng. Từ khi trồng dổi đến nay thu nhập của gia đình ngày càng tăng cao, nhà cửa được xây dựng khang trang”.
Giá hạt dổi tươi được người dân bán cho các đầu mối thu mua dao động từ 600.000 – 800.000 đồng/kg. Tất nhiên, với hạt dổi đã phơi khô thì giá bán cao hơn gấp nhiều lần. Thế nên, nhiều người mới cho rằng, giá hạt dổi bán đắt như vàng...
Từ 1 loài cây mọc tự nhiên, nhiều năm trở lại đây cây dổi đã được người dân xã Chí Đạo mang về trồng và nhân rộng ra khắp các xóm. Hiện cây dổi được bà con nhân dân lựa chọn là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao hơn hẳn so với các loại cây lâm nghiệp khác trong vùng.
Cũng từ đây, bà con trong xã Chí Đạo đã phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dổi mang lại giá trị kinh tế cao, ươm cây dổi giống cung cấp ra thị trường ở các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Thanh Hóa, Gia Lai, Kom Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng...
Hạt dổi có mùi thơm phức, được rất nhiều nhà hàng và người tiêu dùng lựa chọn làm gia vị đặc trưng chế biến thức ăn phục vụ bữa cơm hàng ngày. Gia vị từ hạt dổi làm cho các món ăn trở nên thơm, mùi vị hấp dẫn, gây cảm giác thèm ăn, ăn ngon...
Hạt dổi khô được người dân xã Chí đạo bán với giá 1,5 - 2 triệu đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Quách Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chí Đạo (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), cho biết: “Trên địa bàn xã có 6 xóm, 642 hộ, 2.945 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm tới 99%. Mặc dù là xã vùng đặc biệt khó khăn nhưng nhờ có cây dổi quý, cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch tích cực, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo. Có những hộ tận dụng tốt đất đai rộng lớn đã nhân rộng mô hình trồng dổi quý trên nương rẫy và ươm cây giống bán mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện nay diện tích trồng dổi ở xã ngày càng tăng mạnh, đạt 40 ha với khoảng trên 15.000 cây, trong đó có hơn 7.000 cây đã cho thu hoạch”.
Trước kia cây dổi mọc tự nhiên trên các triền núi, nhưng ngày nay đã được người dân xã Chí Đạo nhân rộng mô hình trồng trên nương rẫy và vườn tượ, để phát triển kinh tế.
Ngoài việc trồng dổi lấy hạt bán, bà con ở xã Chí Đạo con ươm và ghép cây giống bán cho các tỉnh ở miền Bắc, miền Trung.
“Niên vụ 2019 toàn xã Chí Đạo đạt sản lượng 25 tấn hạt dổi đỏ, tương đương 7,5 tấn hạt khô. Theo cách tính của bà con, 1 kg hạt dổi đỏ tươi bằng 1.200 hạt, mỗi kg hạt khô bằng 3.500 hạt. Giá hạt dổi tươi được bán dao động từ 600.000 – 800.000 đồng/kg, hạt khô từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg. Ngoài ra, bà con còn ươm và ghép hàng vạn cây giống bán ra thị trường với giá 50.000 - 60.000 đồng/cây.
"Nhờ việc ươm, ghép cây và bán hạt dổi, nhiều gia đình đã xây nhà khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền, thậm chí không ít hộ mua được xe ô tô đắt tiền. Có thể nói cây dổi đang là cây giúp người dân Chí Đạo xóa nghèo, giúp bà con vươn lên làm giàu, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương...", ông Quách Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chí Đạo khẳng định với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Theo Hà Hoàng/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/doi-doi-nho-loai-cay-than-nhu-cot-nha-nha-ra-thu-hat-dat-nhu-vang-1049825.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn