Dồn điền đổi thửa góp phần tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN
Theo Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, sau dồn điền, đổi thửa tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở tại một số huyện như Từ Liêm, Mê Linh, Đan Phương; Phúc Thọ, Đông Anh, Gia Lâm... góp phần đưa tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 5 năm đạt 2,4%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (1,75%).
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, công tác dồn điền đổi thửa được xác định là khâu đột phá để hỗ trợ trực tiếp cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và thực hiện 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; một công việc khó khăn, nhưng sau 3 năm từ 2012 đến 2014, thành phố đã cơ bản hoàn thành với tổng diện tích đã dồn được 76.891 ha.
Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng 13 triệu đồng/người/năm so với mục tiêu của Chương trình đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ khu vực nông thôn giảm từ 11,25% đầu năm 2011 còn 1,41% cuối năm 2015.
Đến nay, Hà Nội thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.183,1/75.980,1ha (đạt 104,2%), tăng 2.291,3 ha so với cuối năm 2015, vượt 3.673,5 ha so với kế hoạch.
Sau dồn điền đổi thửa, thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn, qua đó, giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho bà con.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã chuyển đổi được 17.584,9 ha, trong đó diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản là 6.416,7 ha; diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả là 5.538,6 ha; diện tích chuyển đổi sang mô hình vườn ao chuồng, vườn ao chuồng rừng là 2.079,6 ha; diện tích chuyển đổi sang trồng rau an toàn là 1.823,6 ha; diện tích chuyển đổi sang trồng chăn nuôi xa khu dân cư là 623,7 ha; diện tích chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh là 508,2 ha; diện tích chuyển đổi sang đất khác là 594,5 ha.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn bất cập như sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi còn chậm chủ yếu ở dạng mô hình.
Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm sản hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là ở dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa, nông sản còn thấp.
Việc hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa khuyến khích được doanh nghiệp và các gia đình nông dân đầu tư để tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và thiết bị công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới.
Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, đặc biệt là các chi bộ nông thôn.
Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và Thành phố; tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch đảm bảo đúng quy định.
Hướng dẫn UBND các xã rà soát để bổ sung, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới bảo đảm phù hợp với quy hoạch xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn