Đóng góp hàng chục tỷ đồng xây trạm y tế
Ông Linh cho biết, trong gần 10 năm qua, huyện đã dành nguồn vốn 7.523 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó có hơn 344 tỷ đồng vốn xã hội hóa. Từ đây, huyện đã đầu tư hàng trăm công trình hạ tầng, phát triển sản xuất. Nhờ có những bứt phá ngoạn mục, năm 2016, Đông Anh là huyện thứ hai của TP.Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng quất cảnh tại xã Tàm Xá (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
"Thành phố ghi nhận và đánh giá cao Đề án đầu tư, xây dựng huyện Đông Anh thành quận với hệ thống giải pháp thiết thực được thể hiện thông qua 12 đề án thành phần, 24 đề án xây dựng xã thành phường... Qua đó, không chỉ tạo diện mạo mới cho địa bàn mà còn bảo đảm xây dựng đô thị hiện đại, thông minh, bền vững...”. Bà Ngô Thị Thanh Hằng |
Một trong những công trình nổi bật có sự đóng góp rất lớn từ phía người dân Đông Anh là trạm y tế xã Mai Lâm. Với tổng kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, trạm y tế xã được xây dựng mới 100%, đạt chuẩn quốc gia với đầy đủ các hạng mục như: Khu điều trị, nhà để xe, bể xử lý nước thải, khu vệ sinh, khuôn viên cây xanh…
Trong đó, khu điều trị là tòa nhà 2 tầng khang trang được xây dựng trên diện tích gần 410m2 với 13 phòng chức năng. Điều đáng nói, toàn bộ kinh phí này đều do ông Hoàng Văn Hùng (một hộ dân ở xã) tài trợ.
Không những tài trợ kinh phí xây trạm y tế xã, ông Hoàng Văn Hùng còn hỗ trợ vốn tu bổ nhiều công trình khác như: Đình Lê Xá, cổng làng Lê Xá và trang bị dụng cụ tập luyện thể dục thể thao cho các thôn trên địa bàn xã Mai Lâm. Tổng giá trị các hạng mục và trang thiết bị này lên tới trên 30 tỷ đồng.
Dù có đóng góp lớn cho quê hương nhưng ông Hùng rất khiêm tốn, từ chối tất cả các đề nghị khen thưởng của thành phố và Trung ương.
Phấn đấu thu nhập 50 triệu đồng/người/năm
Được biết, trong gần 10 năm xây dựng NTM, huyện Đông Anh đã xây dựng, cải tạo gần 800km giao thông nông thôn; 117 nhà văn hóa thôn, 8 trung tâm văn hóa xã... Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao. Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm; dự kiến cuối năm nay sẽ đạt 50 triệu đồng/người/năm…
Đánh giá về thành tích của huyện Đông Anh, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng: Đông Anh là một điểm sáng trong việc thực hiện Chương trình 02 của Hà Nội. Bài học kinh nghiệm của Đông Anh thực sự thiết thực cho các địa phương của Hà Nội học tập và làm theo.
Để tiếp tục thực hiện Chương trình 02 đạt hiệu quả cao hơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nông nghiệp sinh thái...
Về xây dựng NTM, bà Hằng lưu ý huyện Đông Anh cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh” để huy động được nguồn lực trong xã hội tham gia; nhân rộng cách làm hay, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến, nhất là những cá nhân có đóng góp tích cực; nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để tiệm cận tiêu chí phường và quận…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn