Để được cấp mã số vùng trồng, tổ chức, cá nhân phải có diện tích vùng trồng tối thiểu 10ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Ông Nguyễn Phước Thiện, GĐ phụ trách điều hành Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều vùng trồng cây ăn trái chưa được cấp mã số, nhiều nông dân và cán bộ ngành nông nghiệp chưa nắm rõ được việc cấp mã số vùng trồng này.
Trong khi đó nhiều thị trường nhập khẩu yêu cầu nông sản phải được truy xuất nguồn gốc, mà để truy xuất được nguồn gốc thì phải cấp mã số vùng trồng.
Thị trường Trung Quốc lâu nay được cho là dễ tính nhưng nay cũng đã có nhiều rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu từ nước ta. Vì vậy, muốn tăng xuất khẩu nông sản sang khác nước thì quá trình SX cần phải thay đổi để thích ứng và vượt qua các rào cản đó.
Hướng dẫn về điều kiện cấp mã số vùng trồng, bà Phan Thị Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ Thực vật) cho biết, việc cấp mã số vùng trồng nhằm đáp ứng các điều kiện bắt buộc tuân thủ trong thỏa thuận hợp tác ký kết giữa hai cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia về chương trình làm việc xuất khẩu quả tươi từ Việt Nam sang nước nhập khẩu tương ứng có yêu cầu.
Đồng thời, cấp mã số vùng trồng còn nhằm truy nguyên nguồn gốc sản phẩm và quản lý được những loài dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Kiểm soát được việc sử dụng các thuốc BVTV cấm sử dụng và dư lượng thuốc BVTV trên nông sản xuất khẩu.
Để được cấp mã số vùng trồng, tổ chức, cá nhân phải có diện tích vùng trồng tối thiểu 10ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trở lên. Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng một loại giống cây ăn trái.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn