Nhằm nâng cao khả năng chống chịu với tình hình biến đổi khí hậu, một loạt các biện pháp đã được các địa phương ở đồng bằng Sông Cửu Long triển khai, trong đó có nhiều mô hình sản xuất ứng phó biến đổi khí hậu đã mang lại hiệu quả, điển hình như mô hình trồng rau an toàn tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Được triển khai từ đầu năm 2018, qua hơn một năm thực hiện, mô hình trồng rau an toàn của huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã giúp chị em phụ nữ không chỉ thoát nghèo mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Theo chị Nguyễn Thị Dữ tại ấp Cà Dăm, xã Tân Công Sính, Tam Nông cho biết: Gia đình chị trước đây thuộc hộ nghèo, điều kiện kinh tế rất khó khăn, năm 2018, được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Nông cho vay 5 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng rau an toàn. Ban đầu chị trồng nấm rơm và tận dụng nguồn phân rơm để trồng các loại rau ăn lá như cà, bầu, bí, rau dền… Được sự hướng dẫn kỹ thuật của Tiến sỹ Dương Văn Ni - Trường đại học Cần Thơ cùng sự chịu khó chăm sóc của bản thân nên mô hình đã cho thu nhập khá. Ngoài lợi nhuận mỗi vụ nấm rơm hơn 10 triệu đồng, gia đình chị Dữ còn thu lợi nhuận khá từ các loại rau, bầu, bí,…
Mô hình được thực hiện tại 6 xã, thị trấn là Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thạnh B, Tân Công Sính và thị trấn Tràm Chim, có 20 chị em tham gia. Khi tham gia mô hình, các chị em được Trường Đại học Cần Thơ cung cấp giống, kỹ thuật trồng, đồng thời Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện (Hội LHPN) cho vay vốn ưu đãi từ 3 – 5 triệu đồng.
Chị Vũ Thị Thiên Lý – Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Nông cho biết “Hội LHPN huyện Tam Nông đã thành lập cửa hàng bán rau an toàn, phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện. Đồng thời Hội cũng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đưa rau an toàn vào các trường bán trú trên địa bàn huyện. Các nông dân cũng có nhu cầu vay vốn thêm để nhân rộng mô hình nên Hội sẽ tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn”.
Chị Đinh Thị Thu Hiền – phụ nữ tham gia mô hình cũng chia sẻ: “Mô hình này mang lại lợi ích thiết thực cho người trồng và mang đến sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm đều là rau an toàn nên được mọi người ưa chuộng. Tôi thấy đây là một mô hình hay và cần được nhân rộng trên địa bàn huyện cũng như các huyện xung quanh”.
Mô hình trồng rau an toàn giúp tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống gia đình cho các chị em trên địa bàn huyện. Hiệu quả mô hình đã được thấy rõ, vì vậy mô hình cần được nhân rộng trên địa bàn huyện Tam Nông nói riêng cũng như trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Nguyễn Thị Yến - Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn