Trâu cũng làm…du lịch!
Người đang cầm bừa là anh Tomy Akira, một du khách đến từ Úc. Anh Akira liên tục quệt mồ hôi chảy ròng xuống má, than “nóng quá” rồi cố đi theo sau lưng trâu cho đường cày thật thẳng .
Điều kỳ lạ là con trâu lại hiểu tiếng Anh. Nó ngoan ngoãn rẽ phải, quay đầu và dừng lại đúng sát bờ sau đường cày gọn ghẽ.
Bừa đi hết 5 vòng ruộng, Akira chuyển cho một người bạn trong nhóm, chị Anna tiếp tục dẫn trâu đi ngập bùn. Trong khi đó, tất cả hơn 10 thanh niên khác bạn hai người cả nam cả nữ (cùng đến từ Úc) lại làm một công việc khác: vạc bờ, cuốc góc và san nền bùn mặt ruộng cho phẳng.
Trong nhóm du khách, hai cô gái ít tuổi nhất vẫn đang mặc váy hoa (đến từ Canada): Cindy (21 tuổi) và Sofia (23 tuổi) dường như chưa quen với việc cuốc đất hay đi cày được “ưu tiên” hơn một chút: Thặt chặt chân váy cao quá đầu gối để nhặt cỏ sau những luống bừa để chất lên bờ.
Anna dẫn trâu đi bừa ở bản Lao Chải |
Hơn 2 giờ sau, một mảnh ruộng gần 500m2 sẵn sàng cho việc gieo cấy đã thành hình. Bốn cặp gầu tát nước từ khe mương bên dưới được đưa vào ruộng. Đến khi đổ vào sấp mé bờ, nhóm du khách mới ngừng tay, thở dốc. Trên bờ, đứng nhìn những “ông Tây” chân lấm tay bùn với công việc nhà nông, già làng ở Lao Chải ông Giàng A Chua cười thú vị bảo: Cứ tưởng họ không quen làm, nào ngờ cũng “cày sâu, cuốc bẫm” chẳng kém người dân bản này. Nói xong, già làng Chua thân thiện đem cho nhóm du khách ấm nước chè tươi mới hãm.
Đi bừa, cuốc đất, đắp bờ - dù lấm lem bùn đất nhưng nhóm du khách tỏ ra thích thú. |
Nhưng chưa kịp uống, chợt nhớ ra điều gì, chị Anna lại cầm liềm chạy vội vàng ra góc đồi phía bên kia. Chừng 10 phút sau anh quay lại với một mớ cỏ tươi mơn mởn và thuần thục đem vào gốc cây cho trâu ăn. Thấy người khác bất ngờ vì từ khi anh Akira cầm cày cho đến lúc Anna cho trâu ăn, chú trâu có vẻ hiểu cả những hiệu lệnh, câu nói bằng tiếng Anh, chị Vừ Thị Mẩn, chủ của đám ruộng bảo: “Không chỉ có anh chàng hay cô này ấy đâu, mà ai trong nhóm du khách cầm cày nó cũng thế thôi. Con trâu quen làm du lịch rồi”.
Gấp mấy lần cấy lúa, trồng ngô
Theo chị Vừ Thị Mẩn, gần 5 tháng nay, nhà chị liên tiếp đón những đoàn khách nước ngoài đến thử làm ruộng như thế. “Sáng nay, đang tỉa ngô trên rẫy trên thì nghe già làng Chua đến gọi, bảo “có đoàn khách này đến muốn làm nông dân” thì mình lại tất bật chạy về lấy cày, đánh trâu và dẫn họ ra đây” – chị Mẩn nói.
Chị Mẩn cũng cho biết để “phục vụ” những du khách nước ngoài thích thú làm việc nông gia, nhà chị đã chuẩn bị sẵn đám ruộng “đặc thù” để đó để sẵn sàng bất cứ lúc nào. Theo chị Mẩn, đám ruộng “đặc thù” là không cấy hái, cày bừa mà chỉ để làm du lịch!
“Để ải, tháo nước vào, lải nước ra, cứ để cỏ mọc sâu trong ruộng sao cho các bác ấy làm đúng việc của nông dân vào mùa cầy, cấy là được. Dăm bữa, nửa tháng là có một đoàn khách, thu nhập nhiều hơn mấy lần so với cấy lúa, trồng ngô” – chồng chị Mẩn, anh Giàng A Páo vui vẻ kể.
Các du khách khá mệt sau 1 ngày làm nông dân thứ thiệt |
Tại Lao Chải, không chỉ có nhà anh Páo – chị Mẩn có ruộng để đón khách du lịch nước ngoài kiểu này. “Gần nửa năm nay, bản có 3 nhà khác cũng chuẩn bị sẵn ruộng, trâu và các vật dụng để đón các ông Tây. Chỉ cần đón môt đoàn khách dăm mười người là có tiền bằng cả nương lúa, nương ngô được mùa đó” – già làng Giàng A Chua phấn khởi nói.
Tại xã Tả Van, một điểm du lịch khá nổi tiếng khác của Sapa, nhiều người dân các bản cũng liên tục được các tour du lịch “đặt hàng”: Xếp chỗ cho Tây ngủ, dẫn Tây ra ruộng cày! “Thường thì tiếp đón mỗi tour từ có khoảng từ 10 – 20 khách Tây trải nghiệm cuộc sống nông dân, người dân sẽ được hưởng khoảng 2 triệu đồng. Đối với thu nhập của người dân vùng cao, số tiền này không nhỏ và lợi hơn nhiều so với làm nông nghiệp” – hướng dẫn viên một công ty du lịch cho biết.
Cũng theo hướng dẫn viên này, khách Tây rất thích thú với trải nghiệm cuộc sống người dân các bản làng vùng Tây Bắc như cày bừa, gặt lúa, ăn ngủ nhà sàn và điều đặc biệt là chỉ đi theo tour lần đầu còn lần sau khi có kinh nghiệm họ tự tổ chức thành nhóm đi riêng. “Vì vậy, nếu người dân muốn có thu nhập từ du lịch dạng này thì phải chuyên nghiệp dần lên nhưng phải giữa được bản sắc của dân tộc mình”.
Theo Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Lào Cai, với vẻ đẹp của của tự nhiên và đặc biệt là nét riêng về khí hậu, nét văn hóa canh nông đặc sắc của người Mông, Sapa chưa bao giờ hút du khách như hiện nay. Tổng số khách du lịch trong nước và quốc tế đến Mù Cang Chải năm 2016 đạt gần 2,3 triệu lượt, trong đó du khách quốc tế chiếm gần một nửa (khoảng 1,1 triệu lượt).
“Việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch để thu hút khách nhất là khách quốc tế đang được tỉnh tập trung triển khai. Nhất là các điểm du lịch giúp khách quốc tế trải nghiệm đời sống và những nét bản sắc của người dân tộc địa phương” –ông Hà Văn Thắng, GĐ Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Lào Cai cho biết.
Trong khi đó, theo UBND huyện Sapa, từ giữa 2016 đến nay, có hàng chục đoàn du khách quốc tế như Anh, Úc, Canada… đến địa phương để “tập làm nông dân” trải nghiệm cuộc sống bản địa.
Mù Cang Chải, Hội An: Khách Tây cũng thích “chân lấm tay bùn” Cùng với một số bản ở huyện Sapa, nhiều nhóm du khách nước ngoài đặc biệt là du khách Úc cũng tìm đến trải nghiệm cuộc sống “chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối” tại bản các bản tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Tại Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam), mô hình đưa khách nước ngoài trải nghiệm cuộc sống đồng ruộng thu hút được hàng ngàn người. |
An An/ Petrotimes
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn