Hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp của Hà Nội ngày càng thực chất, hiệu quả và thiết thực. Không chỉ giới thiệu, quảng bá nông sản, kêu gọi doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất sạch, mà hoạt động xúc tiến còn kết nối đưa nông sản an toàn các tỉnh về tiêu thụ, phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
|
Khu chuồng trại sản xuất trứng gà sạch của Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). |
Nhằm giúp nông dân tiêu thụ hoa lan, các cấp, các ngành huyện Hoài Đức đã tích cực phối hợp với các nhà phân phối lớn ký kết thỏa thuận hợp tác. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông La Dương Kim Thành cho hay, trước đây ở Đông La trồng hoa lan chủ yếu để phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô. Sau khi ngành Nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn áp dụng, ứng dụng công nghệ cao vào trồng lan, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ hoa, cây cảnh trong nước và quốc tế, hoa lan Đông La đã được nhiều người biết đến và ký kết nhận bao tiêu sản phẩm. “Bây giờ hoa lan Đông La không còn lo khâu tiêu thụ” - ông Dương Kim Thành vui mừng chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp còn kết nối đưa nông sản an toàn các tỉnh về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại, hiện thị trường Hà Nội tiêu thụ từ 50 đến 60% nông sản từ địa phương khác. Do đó, kết nối để đưa những sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng Thủ đô là nhiệm vụ quan trọng của công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp. Trong đó, phải kể đến hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản hiệu quả với tỉnh Hòa Bình và Bắc Ninh.
Hiện tỉnh Hòa Bình có diện tích quỹ đất sạch lớn, phù hợp với sản xuất hữu cơ nên nhiều doanh nghiệp của Hà Nội đã đầu tư sản xuất nông nghiệp với hình thức góp vốn. Trung bình mỗi năm, tỉnh Hòa Bình cung cấp cho thị trường Hà Nội 600 nghìn tấn cam, 10 nghìn tấn thủy sản cùng nhiều sản phẩm thịt trâu, bò, gà bản địa. Tương tự, tỉnh Bắc Ninh cũng đang là đầu mối cung cấp sản phẩm rau, củ, quả tươi cho 20 trường học tại huyện Gia Lâm và Đông Anh.
Theo Sở NN&PTNT, đến nay toàn thành phố đã xây dựng được 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Các chuỗi liên kết này đã sản xuất, tiêu thụ hàng chục nghìn tấn thịt lợn, gia cầm, sữa tươi… ngay tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Sự thành công trong xây dựng, phát triển các chuỗi đều có sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, hợp tác xã...
Chia sẻ những kinh nghiệm về hoạt động xúc tiến thương mại cho những sản phẩm của đơn vị, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm T&T 159 (tỉnh Hòa Bình) Trần Anh Dũng cho biết: Hiện nay sản phẩm chính của công ty là thịt bò, lợn, bao gồm cả con giống và thương phẩm. Công ty tiếp tục phát triển dòng sản phẩm lợn rừng lai với lợn Móng Cái. Từ năm 2014 đến nay, công ty đã chủ động liên kết với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội để giới thiệu, phối hợp tiêu thụ sản phẩm...
Để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản, UBND TP Hà Nội đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, các chính sách hỗ trợ về thuê đất, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các hoạt động xúc tiến giới thiệu sản phẩm đã, đang mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất, người tiêu dùng...