Nếu không được tận mắt nhìn thấy vườn dừa xanh mướt thì chúng tôi khó lòng tin được giống cây tưởng chừng như chỉ thích hợp cho vùng đất Nam bộ lại có thể sinh trưởng tốt và cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất của Thanh Hóa như vậy.
Sau 4 năm trồng, mô hình dừa xiêm của anh Nguyễn Văn Nam phát triển khá tốt trên đất xứ Thanh.
Đi trong hàng dừa rộng, rợp bóng mát đang cho những quả đầu tiên, anh Nguyễn Văn Nam, chủ nhân vườn dừa cho biết: Trong một lần đi tham quan học hỏi mô hình trồng dừa xiêm tại tỉnh Bến Tre, tận mắt nhìn thấy hiệu quả kinh tế của giống dừa xiêm, tôi mê lắm. Giống này cho trái rất sai, mỗi buồng từ 30 - 40 trái, lại thích nghi với nhiều loại đất như nhiễm mặn, phèn, kể cả những vùng cát trắng bạc màu…
Anh Nam bắt đầu ấp ủ kế hoạch trồng cây dừa xiêm từ đó. Năm 2015, anh Nam quyết định trở lại Bến Tre một lần nữa vừa học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ thuật trồng dừa xiêm, sau đó anh mua và trồng thử nghiệm 500 cây dừa xiêm. Sau một năm dừa xiêm sinh trưởng, phát triển tốt, nên anh Nam quyết định mua thêm 2.000 cây dừa xiêm các loại như: Dừa xiêm dứa Thái Lan, xiêm đỏ Bến Tre, xiêm đỏ Mã Lai, xiêm xanh, xiêm lục, xiêm dây…
Theo anh Nguyễn Văn Nam, trồng dừa xiêm quan trọng nhất là khâu chọn giống và đảm bảo giống chất lượng thì cây mới phát triển tốt.
Sau hơn 4 năm đưa vào trồng và dày công chăm sóc, cuối năm 2018 những cây dừa xiêm được anh trồng lứa đầu tiên bắt đầu cho quả bói, với năng suất mỗi buồng đạt khoảng 20-25 quả.
Đứng bên những cây dừa cho trái sai oằn, anh Nguyễn Văn Nam phấn khởi chia sẻ: Ưu điểm của giống dừa xiêm không chỉ trái nhiều, trồng mau ra trái mà chất lượng trái rất cao. Dừa xiêm mỏng vỏ, nước nhiều, nước lại ngọt thanh.
Ngoài ra, dừa xiêm rất dễ trồng, chỉ cần đánh luống cao ráo, có mương thoát nước. Để cho cây dừa phát triển khi trồng phải bón phân một năm 2-3 lần, mỗi lần khoảng 1/2kg/gốc. Loại phân dừa ưa thích nhất là DAP, sau mỗi lần bón phân phải gom đất bồi vào gốc, nếu bồi đất bùn non càng tốt. Tuy nhiên trồng dừa phải chú ý theo dõi chuột, con đuông và bọ cánh cứng.
Mô hình dừa xiêm của anh Nguyễn Văn Nam bước đầu mang lại hiệu quả tốt.
Theo anh Nam dừa xiêm có đặc điểm dễ trồng, không kén đất, thích nghi nhanh chóng với từng loại đất, chỉ sau 30 tháng trồng dừa bắt đầu ra quả. Tuy nhiên, lúc này quả chưa đều, chủ yếu cho quả ổn định khi dừa bước sang tuổi thứ 5.
“Khi trồng dừa xiêm chỉ cần đóng cọc giữ cho cây khỏi lệch, dùng các vật liệu hữu cơ sẵn có như rơm, tàu dừa khô che chắn cho cây giữ ẩm và hạn chế xói mòn khi tưới thời kỳ đầu. Để dừa nhanh phát triển, người trồng cần chú trọng bón phân, tưới nước hợp lý.
Khác với những loại dừa thông thường, khi cây phát triển tới 7-10m mới cho quả, còn vườn dừa xiêm, chỉ cách mặt đất 0,5 - 1m. Vì vậy khi khi thu hoạch cũng không cần leo trèo cũng hái được dừa. Mặc dù trồng trên đất ven sông, nhưng chỉ sau khoảng 3 năm là dừa cho trái. Đặc biệt, nước dừa có vị ngọt thanh đậm hơn một số giống khác nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng”- anh Nam cho hay.
Dừa xiêm phát triển và thích nghi ở Thanh Hóa rất tốt và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.
Cũng theo anh Nam thì yếu tố thành công của việc trồng cây dừa xiêm, đó chính là việc lựa chọn nguồn giống. Qua tìm hiểu anh được biết, nhiều giống dừa xiêm được bán tràn lan trên thị trường, không rõ xuất xứ nguồn gốc nên chất lượng không bảo đảm. Vì vậy, anh đã trực tiếp tìm đến các chủ vườn dừa ở tỉnh Bến Tre để mua cây giống loại 1.
Điều này không những giúp anh tìm mua được cây giống có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng, mà còn giúp anh kết nối được với các chủ vườn dừa có nhiều kinh nghiệm. Từ đó giúp anh trao đổi được thông tin, kinh nghiệm trong quá trình trồng, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh trên cây dừa.
Theo tính toán của anh Nguyễn Văn Nam thì 1 ha trồng khoảng 250 đến 300 cây, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi ha trồng dừa xiêm đạt doanh thu từ 750 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi đạt từ khoảng 400 triệu đồng/năm.
Quang Thanh/http://danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn