Chuồng trại hết mùi...
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) là một trong những HTX nuôi gà xuất khẩu lớn nhất nhì khu vực phía Nam với quy mô chăn nuôi hơn 1 triệu con gà. Để sản phẩm thịt gà có thể xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, trang trại của HTX phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe về con giống, nguồn thức ăn đầu vào, các loại thuốc sử dụng trong quá trình chăm sóc, phòng trị bệnh dịch, khu vực sản xuất, vị trí trang trại phải xa khu dân cư, chuồng trại xây bài bản, bảo đảm an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm, xanh sạch…
Để tìm ra một loại chế phẩm sinh học làm đệm lót trong chăn nuôi và công thức xử lý phân gà cho hiệu quả tối ưu, HTX Long Thành Phát đã kết hợp Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện “Chương trình thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường chăn nuôi tại Long Thành – Đồng Nai”.
Ông Lê Văn Quyết - Giám đốc HTX cho biết: “Chương trình nhằm mục đích khử mùi từ chuồng trại chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, giúp giảm thiểu mùi hôi từ chăn nuôi, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho vật nuôi phát triển, phòng trừ dịch bệnh. Mô hình được thực hiện trên 82.000 con gà, chia thành 4 chuồng với tổng diện tích 6.000m2 và mật độ trung bình 20.000 con/chuồng tại trại gà Bầu Cạn trong thời gian 37 ngày (từ 24/8 đến 3/10)”.
Dùng chế phẩm sinh học trộn với cám làm đệm lót cho gà. (ảnh: Minh Khánh)
Chị Nguyễn Thị Thùy- kỹ thuật viên Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ cho biết: “Để giải quyết mùi hôi từ chất thải của gà, bảo đảm vệ sinh môi trường, chúng tôi dùng chế phẩm sinh Emuniv (cả dạng bột và dạng dịch) để làm đệm lót sinh học cho gà. Emuniv bao gồm nhiều vi sinh vật như: Bacillus subtillis, bacillus lichenifomis, lactobacillus… có khả năng sinh enzym có thể phân giải chất hữu cơ, có khả năng cạnh tranh sinh trưởng với các vi sinh vật có hại khác, sinh chất kháng sinh tự nhiên chống nấm bệnh, cung cấp nguồn cacbon cho các vi sinh vật”.
“Chúng tôi phun dung dịch Emuniv vi sinh lên trấu, mùn cưa, cám gạo theo tỷ lệ nhất định để làm đệm lót sinh học. Phân gà thải ra sẽ thấm vào trấu phía dưới. Chế phẩm có tác dụng khử mùi hôi phân gà, phân hủy phân gà thành các chất dinh dưỡng mà cây trồng dễ dàng hấp thu, ức chế và tiêu diệt các vi sinh vật gây thối, gây bệnh cho vật nuôi, bảo vệ vật nuôi. Để tăng thêm hiệu quả xử lý chất thải từ chăn nuôi gà, chúng tôi dùng dấm gỗ, enzyme tổng hợp bổ sung vào đệm lót nhằm hỗ trợ vi sinh vật có lợi phát triển, đẩy nhanh quá trình phân giải” - chị Thùy nói.
Hiệu quả, nhưng khó nhân rộng
Theo tính toán của Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, chi phí làm đệm lót chỉ mất không quá 150 đồng/con gà. Giá thành của gà nuôi trên đệm lót khoảng 57.000 đồng/kg. Trong đó, chi phí thức ăn chiếm 59%, con giống 26%, thú y 9%, các loại chi phí điện, nước, đệm lót, lao động… chiếm 6%. Mặc dù tốn thêm chi phí làm đệm lót, nhưng khi xuất chuồng nông dân bán được chất độn cho nhà vườn làm phân bón cho cây trồng với giá khoảng 1.000 đồng/kg, trong khi cái lợi lớn nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi. |
Cũng theo chị Thùy, quá trình làm đệm lót rất đơn giản, rẻ tiền, bất kỳ ai cũng có thể làm được. Để bảo dưỡng đệm lót hoạt động tốt, người chăn nuôi chỉ cần xới đảo cho đệm lót tơi xốp. Đệm lót không bị ướt ẩm thì chỉ cần thay mới sau khi xuất gà.
Trong suốt quá trình nuôi không phải vào chuồng quét dọn phân, thay chất độn như trước đây, mùi hôi không còn. Nuôi gà trên đệm lót không gây ô nhiễm môi trường, gà kháng bệnh, tăng năng suất đàn, giảm nhân công vệ sinh chuồng trại…
Ông Quyết chia sẻ: “Sau thời gian thử nghiệm bước đầu cho kết quả rõ rệt, khi bước vào trại gà không còn thấy mùi hôi của phân gà và chất thải khác. Phần đệm lót cho gà sau khi vệ sinh chuồng trại có thể sử dụng để bón cho cây trồng rất hiệu quả. Cách nuôi này, bên cạnh quản lý được dịch bệnh trên đàn gà, ít rủi ro, còn không có mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh, nhất là không có côn trùng và bụi. Năng suất gà ở các chuồng thực nghiệm ổn định hơn nhiều so với các chuồng đối chứng”.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, quá trình triển khai cho thấy, việc nhân rộng mô hình này gặp nhiều khó khăn do bà con không mấy mặn mà. Nhiều hộ, cơ sở chăn nuôi vẫn có thói quen chăn nuôi theo kiểu truyền thống, không muốn tốn thêm chi phí làm đệm lót, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi chưa thể cải thiện.
Bà Bùi Hồng Hà – Trưởng phòng Vi sinh (Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ) trăn trở: “Mỗi năm ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm thải ra khoảng 75-85 triệu tấn chất thải, với phương thức phân chuồng không qua xử lý ổn định và nước thải không qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Việc áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm giúp giải quyết được một lượng lớn chất ô nhiễm, giảm đáng kể mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi, nâng cao chất lượng môi trường sống… nhưng nhiều hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi chưa muốn triển khai do phải mất thêm chi phí làm đệm lót”.
Theo Minh Khánh/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/dung-che-pham-xu-ly-phan-ga-hieu-qua-nong-dan-van-chua-man-ma-1028728.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn