Theo đó, qua phản ảnh của nông dân Đinh Văn Khuê ở xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết, ông mua 18 bao phân bón hữu cơ sinh học Humix 5-2-3 (loại 50 kg/bao) trên bao bì ghi nhà sản xuất là Cty CP Hữu cơ DAITO (xã Thiên Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) từ Đại lý Trung Thuận (thôn 3, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) do ông Trần Ngọc Trung làm chủ.
Sau khi đem về nhà, ông bón 8 bao (400 kg) cho vườn cây thanh long 700 trụ thì phát hiện cây trồng không có dấu hiệu phát triển, còn phân Humix bón vào đất không tan mà cứ trơ ra như đất sét.
Nghi ngờ loại phân có vấn đề, ông khiếu nại lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Sau khi vào cuộc kiểm tra, Đoàn thanh tra của Sở NN-PTNT đã lấy mẫu phân hữu cơ Humix có tại nhà ông Khuê đưa đi phân tích thử nghiệm, kết quả cho thấy các hàm lượng hữu cơ, NPK đều thấp hơn 70% so với hàm lượng công bố trên bao bì.
Đặc biệt, 18 bao phân đem so sánh cùng loại phân Humix 5-2-3 chính gốc của Cty CP Hữu cơ DAITO sản xuất thì thấy có nhiều dấu hiệu khác biệt như không có mùi đặc trưng, trên bao có hai đường chỉ, trọng lượng bao không đồng đều, trong 18 bao thì có đến 11 thời hạn sử dụng khác nhau.
Từ đó, Đoàn kiểm tra xác định 18 bao phân Humix mà ông Khuê mua của Đại lý Trung Thuận là phân bón giả và cần phải xử lý theo pháp luật. Theo lời khai ban đầu của ông Trần Ngọc Trung, số phân giả trên được đại lý mua từ ông Ngô Văn Phương, chủ đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Thiên Phú ở xã Tân Hải, TX La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với ông Phương, ông này trưng ra hóa đơn "đỏ" (GTGT) mua hàng từ bà Nguyễn Thị Hồng, giám đốc doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Nguyên Ngọc ở phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Đoàn kiểm tra đưa hóa đơn bán hàng của bà Hồng phát hành nhờ Sở Tài chính tỉnh giám định là thật hay giả. Sau khi giám định, cơ quan tài chính trả lời: "Hóa đơn giá trị gia tăng của người bán (tức của DNTN Nguyên Ngọc) đã bị tẩy xóa, chỉnh sửa, tên hàng hóa, giá tiền, tên người bán đều sai lệch so với hóa đơn gốc".
Nhận thấy sự việc sản xuất buôn bán phân bón giả vượt quá khả năng do vụ việc đã vượt ra ngoài địa phương, Đoàn kiểm tra không đủ thẩm quyền để tiếp tục xác minh làm rõ nên hồ sơ được chuyển đến Phòng CSĐT Tội phạm về quản lý và kinh tế (PC46) công an tỉnh đủ thẩm quyền phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương cũng như xác minh năng lực, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của một số tổ chức cá nhân có liên quan để lập chuyên án tiến hành điều tra.
Tuy nhiên, tại đây sau khi PC 46 xác minh địa chỉ người bán hàng (phân bón giả) ghi trên hóa đơn là DNTN Nguyên Ngọc thì địa chỉ đó hoàn toàn không có thật nên cuối cùng không thể điều tra mở rộng. Vì vậy, vụ việc chính thức khép lại.
Sau đó, tháng 5/2017, Đoàn kiểm tra chỉ dừng lại mức xử phạt hành chính đại lý Trung Thuận với số tiền 30.000.000 đồng như đã nói trên, với hành vi kinh doanh phân bón giả theo Nghị định 185/2016/NĐ-CP ngày 15/11/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoat động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời buộc tiêu hủy 10 bao phân giả, không rõ nguồn đang giữ tại nhà ông Khuê.
Thế nên, đến nay "ổ" sản xuất phân giả hữu cơ Humix vẫn còn tồn tại trên thị trường nhưng không biết nó đang nằm ở đâu mà thôi?
"Trong kinh doanh mua bán vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV) hiện vẫn còn tồn tại một số cơ sở đại lý chủ quan, không yêu cầu đơn vị sản xuất cung cấp bảng đăng ký công bố tiêu chuẩn chất lượng; hồ sơ hợp quy... nên không phát hiện được sản phẩm hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có trong danh mục được phép sử dụng..." (Ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Thuận). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn