Về quê làm ruộng, ươm cây giống
Sau khi được Ban tổ chức tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu giải quyết nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng, bà Lê Thị Công – Nguyên giám đốc Sở TNMT đã trở về căn nhà nhỏ của mình tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ.
Chiều 27/7, chia sẻ với Đất Việt, bà Công cho biết đang tiến hành cải tạo khu vườn trong khuôn viên nhà để trồng rau sạch, trồng hoa quả và ươm cây giống bán cho người dân có nhu cầu.
Theo bà Công, do đã gắn bó từ trước với đồng ruộng, cây cối và có thời gian học trường đại học nông nghiệp nên bản thân bà không hề cảm thấy bỡ ngỡ. Trái lại bà tìm thấy thêm nhiều niềm vui, sự thanh thản trong công việc đang làm.
Vườn ươm cây giống của bà Lê Thị Công |
“Quê tôi và bản thân gia đình có truyền thống làm nghề nông từ lâu. Ngày trước dù còn công tác ở huyện Đất Đỏ hay trên tỉnh tôi đều tranh thủ lúc rảnh rỗi hoặc thời gian cuối tuần được nghỉ để chăm sóc khu vườn nhỏ. Chỉ có thời gian ra Hà Nội họp Quốc hội bận bịu quá mới bỏ thôi.
Nhà tôi cũng có khá nhiều đất ruộng do bố mẹ tôi để lại. Ngoài ra tôi cũng dành dụm tiền lương mua thêm để tăng gia sản xuất. Vào dịp cấy hái, tôi cũng lội ruộng như những người nông dân khác. Nhưng giờ làm ruộng có cái thuận tiện hơn là mọi thứ đã được cơ giới hóa có mày cày, máy gặt lúa nên không phải vất vả như trước kia”, bà Công nói.
Dù không còn công tác tại Sở TNMT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng bà Công vẫn hết sức bận rộn. Từ sáng đến tối, người phụ nữ này đều tất bật với con dao, cái thuổng, bầu đất.
Bà Công cũng có thửa ruộng cấy hái như những người nông dân khác tại địa phương. |
“Vườn ươm của tôi khoảng 5500 m2 nằm ở ngay cạnh nhà. Tôi lựa chọn những cây lâm nghiệp như cây sao, cây dầu, cây bằng lăng, cẩm lai, vỏ đỏ, giáng hương… để ươm rồi bán cho người dân có nhu cầu. Nói chung tôi thích làm nông nghiệp vì nó phù hợp với ngành từng học và các vị trí công tác từng đảm nhận. Dù có mệt nhưng tôi không thấy chán khi làm công việc này. Thời gian rất quý nên tôi luôn có gắng lên kế hoạch để sử dụng 24h của mình một cách hiệu quả và hợp lý nhất”, bà Công chia sẻ.
Ngoài việc trồng rau, ươm cây giống, thời gian này bà Công còn trở thành “người tư vấn” cho những người hàng xóm và bà con trong vùng. Tất cả mọi chuyện từ chọn cây giống, kỹ thuật trồng cây, phân bón đến những khúc mắc trong vấn đề đất đai.
“Người dân thấy mình có kinh nghiệm và từng công tác trong lĩnh vực đó nên có việc gì không biết cũng tìm đến để hỏi. Họ đến nhờ thì tôi đều giúp đỡ nhiệt tình, không hề vụ lợi một đồng nào cả. Được người dân tin tưởng là vui rồi. Tình làng nghĩa xóm là quan trọng. Tôi chỉ cần thế thôi. Bà con tìm ra cách khắc phục bệnh tật, trồng trọt đúng cách thì mình cũng cảm thấy hạnh phúc rồi”, bà Công nói.
Tự học thêm Anh văn
Trong cuộc trò chuyện với Đất Việt, bà Công cũng tiết lộ về kế hoạch học thêm ngoại ngữ để trau dồi khả năng giao tiếp.
“Tháng 8 tới tôi sẽ đi học thêm Anh văn. Môn này tự học là chính. Tầm tuổi tôi mà học thì có thể sẽ vất vả hơn nhưng tôi sẽ cố gắng tập trung hết sức. Ngoài ra tôi cũng tìm đọc thêm sách về nông nghiệp để ứng dụng vào thực tế cũng như giúp đỡ thêm bà con nông dân khi cần thiết”, bà Công trải lòng.
Bà Công cũng dành thời gian để chăm sóc vườn cây ăn trái, trồng rau sạch |
Nguyên Giám đốc Sở TNMT Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, vùng quê Đất Đỏ vẫn còn nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên bà muốn đóng góp một chút công sức bé nhỏ để khích lệ thêm người dân tăng gia sản xuất.
"Mình chia sẻ bằng kinh nghiệm thực tế nên bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn. Tôi chỉ mong muốn rằng bà con cũng được tiếp xúc với ứng dụng công nghệ hiện đại, các kỹ thuật canh tác để hiệu quả sản xuất cao hơn, đời sống đỡ vất vả hơn", bà Công chia sẻ.
Chịu sức ép, áp lực từ nhiều phía sau khi quyết định xin nghỉ việc vì bị luân chuyển, bà Công thừa nhận, bản thân cảm thấy may mắn khi được chồng và các con bên cạnh ủng hộ.
“Dư luận có những người ủng hộ nhưng cũng có người nói ra, nói vào không hay về chuyện tôi nghỉ việc. Nhưng tôi cho rằng mình đã lựa chọn đúng. Nghỉ việc để có thời gian chăm sóc gia đình, làm công việc mình yêu thích. Các con tôi đi học đại học xa nhà nhưng cũng động viện mẹ. Chồng cũng ủng hộ. Tôi chỉ cần thế để tiếp tục công việc thôi. Bởi lẽ nghề nông bao giờ cũng lương thiện, không phải bon chen gì cả”, bà Công chia sẻ.
Theo Báo Đất Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn