Vì sao NH và doanh nghiệp khó gặp nhau?
Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Theo đại diện Vietcombank, việc đảm bảo khả năng thu hồi vốn là thách thức với doanh nghiệp bởi nuôi trồng chỉ là khởi điểm trong chuỗi giá trị của nông sản. Khâu sản xuất thành phẩm và phân phối hiện nay chưa thống nhất.
Tài sản đảm bảo cũng là một thách thức trong việc khơi thông dòng vốn. Giám đốc một doanh nghiệp ở Nghệ An cho biết “Tôi không vay ngân hàng, lý do vì tôi chẳng có tài sản đảm bảo. Thiếu vốn, tôi vay họ hàng và bà con cùng quê bằng tín chấp. Giả sử họ gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng được 7% tiền lãi, tôi trả họ luôn 10% lãi suất bằng con số mà tôi phải vay ngân hàng. Như vậy tôi không phải lo chứng minh tài sản đảm bảo”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện một doanh nghiệp cho biết: “Những hộ sản xuất nông nghiệp muốn vay vốn nhưng không biết phải đến gặp ai, làm gì để vay được vốn vì tâm lý người dân ngại đến ngân hàng, e sợ các thủ tục ngân hàng phức tạp. Bên cạnh đó, mạng lưới ngân hàng chưa thuận tiện ở nông thôn. Tôi mong có các thông tin về đầu mối vay vốn và có những cẩm nang hết sức dễ hiểu hướng dẫn hộ nông dân vay vốn”.
Thiếu tài sản đảm bảo, thiếu thông tin, e ngại khi đến vay tiền ngân hàng vì thủ tục phức tạp là tâm lý chung mà những doanh nghiệp nhỏ đang vấp phải và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Nếu về khó khăn trong việc tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - cho biết, “Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là một hướng phát triển nông nghiệp mới, nhưng chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai dự án. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là rất lớn. Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên thị trường nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế”.
Áp lực lãi suất vẫn đè nặng doanh nghiệp
Tại hội thảo, ông Lê Hữu Tình - Phó TGĐ DN Thủy sản Đắc Lộc - cho rằng áp lực lớn nhất hiện nay cho các doanh nghiệp là lãi vay quá cao nếu so sánh với các nước láng giềng trong khu vực. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - cho biết: “Thực tế gói vay ưu đãi dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là vốn của các NHTM kinh doanh trên thị trường. Để giảm lãi vay từ 0,5-1,5% lãi suất cho các doanh nghiệp vay, bản thân các NH phải giảm phần lợi nhuận của mình và cắt giảm chi phí. Để duy trì gói vay ưu đãi trong thời gian dài đã là sự nỗ lực lớn của các ngân hàng, vì vậy đừng so sánh với Thái Lan, lãi vay chỉ có 3-4% bởi ở các nước đó có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Vấn đề chính, doanh nghiệp cần có dự án kinh doanh hiệu quả, tạo chuỗi quy trình khép kín, trên cơ sở đó các ngân hàng cho vay theo chuỗi, cắt giảm chi phí và có cơ hội giảm lãi suất”.
Một khó khăn nữa là hiện các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Trước thực tế trên, để triển khai có hiệu quả chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để người dân, doanh nghiệp có thể làm các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi vay vốn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo Lan Hương/ Lao động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn