Lúa Tám Xoan chỉ còn được trồng trên địa bàn xã Hải Đường, huyện Hải Hậu.
Ong Mai Văn Quyết, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, cho biết, gạo Tám Xoan Hải Hậu chất lượng thơm ngon, không loại gạo nào sánh được, chính vì thế mà ngay từ thời phong kiến, Tám Xoan đã nổi tiếng là loại “gạo tiến vua”. Gạo Tám Xoan đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng chứng nhận CDĐL từ năm 2007, với kỳ vọng sẽ thúc đẩy hàng hóa gạo Tám Xoan, làm giàu cho người trồng lúa. Nhờ CDĐL, thương hiệu gạo Tám Xoan Hải Hậu ngày càng nổi như cồn trên thị trường cả nước. Thế nhưng, nghịch lý là, nông dân ngày càng kém mặn mà với việc trồng lúa Tám Xoan mà chuyển sang trồng các giống lúa khác. Vào năm 2007, diện tích trồng lúa Tám Xoan toàn huyện Hải Hậu đạt hơn 1.000ha nhưng đến năm 2015 chỉ còn 98ha. Vùng CDĐL tám xoan Hải Hậu được khoanh ở 20 xã, thị trấn, thế nhưng hiện nay chỉ còn tập trung trồng ở xã Hải Đường, các xã còn lại các hộ đều không trồng. Sở dĩ Hải Đường vẫn trồng là do khu vực trồng lúa Tám Xoan của xã khá thấp, trũng, không thể trồng giống lúa khác.
Lý giải nguyên nhân lúa Tám Xoan đang bị “bức tử”, ông Quyết cho rằng, do năng suất quá thấp, lợi nhuận không cao bằng trồng lúa tẻ thường. Lúa Tám Xoan cả năm chỉ trồng được một vụ, thời gian gieo cấy dài tới 6 tháng, nhưng năng suất chỉ đạt 70-90 kg thóc/sào (360m2). Trong khi các giống lúa thường hiện nay chỉ trồng 3-3,5 tháng đã cho thu hoạch, năng suất 250-300kg thóc/sào. Lúa Tám cây quá cao, lên đến 1,1 - 1,4m nên hầu hết ruộng lúa bị đổ rạp, bị chuột gây hại nhiều. Bởi vậy, dù giá bán gạo Tám cao gấp đôi gạo thường nhưng lợi nhuận không bằng một nửa.
Vấn đề thứ hai là, do trên cùng một thửa ruộng người dân trồng xen nhiều giống lúa khác, trong khi việc duy trì giống lúa Tám vẫn do người dân tự để giống nên xảy ra tình trạng lai tạp các giống lúa với nhau. Hiện, chất lượng giống lúa Tám ngày càng suy giảm, không còn giữ được chất lượng gạo giống gốc truyền thống.
Vấn đề thứ ba, lúa Tám lẽ ra phải thu hoạch non, khi bông lúa mới chín 70%, hàm lượng sữa trong hạt cao thì cơm tám nấu mới dẻo, thơm ngon. Thế nhưng, hiện nay, do thương lái thu mua lúa đến từ Hà Nội thường không hiểu điều này, họ đặt ra mức giá thu mua chung đối với mọi tuổi gạo. Chính vì vậy, nông dân giờ đây đều chờ cho bông lúa chín già (độ chín lên đến 90-95%) mới thu hoạch, khiến cơm gạo Tám bị khô. Đó là lý do khiến người tiêu dùng mất niềm tin đối với gạo Tám Xoan.
Chuyên gia nước ngoài đang xem xét chất lượng lúa
Ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Hậu, cho hay, lúa Tám Xoan thơm ngon không chỉ nhờ giống mà còn ở quy trình kỹ thuật gieo trồng rất khắt khe. Trong canh tác, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, hầu như không bón phân vô cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp tổng hợp IPM. Đặc biệt, khâu thủy lợi phải tưới bằng nước phù sa của các con sông trong huyện với tần suất tưới 14-18 lần/vụ, yêu cầu mực nước trên ruộng luôn ổn định ở mức 3-5cm. Thế nhưng, hiện nay, quy trình này không còn được nông dân tuân thủ.
Theo ông Triển, Hiệp hội Sản xuất, chế biến và thương mại gạo Tám Xoan Hải Hậu được thành lập vào năm 2004 theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Tuy vậy, hoạt động của hiệp hội không hiệu quả, nguyên nhân do đội ngũ cán bộ chủ yếu là nông dân, trình độ tri thức hạn chế nên trong cách làm còn thiếu khoa học, giải quyết các vấn đề không được dứt điểm. Hiệp hội không thể chế biến ra các sản phẩm mang CDĐL như đăng ký bảo hộ, sản phẩm đưa ra thị trường mang tính tự phát, không kiểm soát. Khảo sát ở thị trường Hà Nội thấy nhan nhản các cửa hàng bán gạo Tám Xoan Hải Hậu, ước tính mỗi năm có hàng chục nghìn tấn gạo được bán dưới cái tên này. Thế nhưng, sản lượng gạo Tám Xoan của cả huyện Hải Hậu chỉ khoảng 150 tấn/năm, trong đó phần lớn người dân để ăn và làm quà biếu cho họ hàng, lượng bán ra thị trường thực tế chưa tới 30 tấn. Hiện, chưa có chế tài trong việc xử lý các sản phẩm nhái giả khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm.
Ông Stephane Passeri, Giám đốc Dự án “Tăng cường xây dựng nông thôn thông qua phát triển CDĐL nông sản ở cấp khu vực châu Á”, cho hay, từ tháng 11/2015 đến 6/2016, dự án sẽ hỗ trợ UBND huyện Hải Hậu và Hiệp hội Gạo Tám Xoan Hải Hậu nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ và chứng nhận độc lập cho sản phẩm mang CDĐL “Gạo Tám Xoan Hải Hậu”. Ông Stephane nhận định, trong khi các nông sản khác, sản lượng thu hoạch nhiều nhưng khó tiêu thụ vì chưa có thương hiệu thì gạo Tám Xoan Hải Hậu có thương hiệu lẫy lừng, nhưng không có sản phẩm để bán. Có vẻ như tư duy của UBND huyện Hải Hậu và của nông dân đang mắc phải sai lầm, thấy năng suất thấp nên chuyển sang trồng giống khác cho năng suất cao hơn. Cần phải thay đổi tư duy sang trồng giống lúa năng suất thấp nhưng chất lượng cao và giá bán phải cao để đạt lợi nhuận cao hơn. Muốn vậy, Nhà nước phải có cơ chế để ngăn chặn tình trạng gạo nhái trên thị trường, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng gạo Tám Xoan ở Hải Hậu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Ông Ngô Sỹ Đạt, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), cho rằng, quản lý CDĐL gạo Tám Xoan Hải Hậu đang có nhiều bất cập. Trước hết, là sự bị động của cơ quan quản lý Nhà nước thiếu nguồn lực cả về tài chính, nhân lực và năng lực. Khả năng truy xuất nguồn gốc không rõ ràng, dấu hiệu nhận biết sản phẩm mang tính áp đặt, chưa có quy trình chung trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, gắn tem nhãn lên sản phẩm. Việc phát triển CDĐL không chỉ đồng nghĩa với việc xác định và công nhận danh tiếng, tính đặc thù, bí quyết truyền thống, sự ổn định về chất lượng sản phẩm, mà còn phải xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát, xác nhận chất lượng. Ipsard sẽ sát cánh cùng dự án, hỗ trợ Hiệp hội Gạo Tám Xoan Hải Hậu xây dựng và đề xuất kế hoạch kiểm soát, biên soạn tài liệu hướng dẫn kiểm soát nội bộ nhằm đảm bảo cho nông dân canh tác lúa Tám Xoan tuân thủ đúng quy trình, chế biến đúng phương pháp nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Chu Khôi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn