Theo Hội Nông dân (ND) tỉnh Bắc Ninh, mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng cà rốt theo hướng an toàn sinh học tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, là một trong các mô hình điểm ứng dụng chế phẩm sinh vật trong gieo trồng rau sạch mang lại hiệu quả cao.
Mô hình cho sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao, trở thành điểm cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh tham quan, học hỏi kinh nghiệm để từ đó áp dụng vào việc canh tác cà rốt của các hộ gia đình nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập tiến tới làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh thăm mô hình trồng cây cà rốt ở huyện Gia Bình. Ảnh: TẠ NGUYỆT
Dự án nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân chuẩn bị các điều kiện cần thiết để canh tác cà rốt như: Chuẩn bị đất trồng, phương pháp xử lý đất, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng chế phẩm vi sinh vật… nhằm đem lại năng suất, chất lượng cao; hỗ trợ quy trình, kỹ thuật, vật tư nông nghiệp để canh tác cà rốt thành công.
Để thực hiện dự án, Hội ND tỉnh Bắc Ninh tham gia thực hiện, phối hợp với Văn phòng Phát triển bền vững - Trung ương Hội NDVN lựa chọn địa bàn, tổ chức khảo sát và đề xuất xây dựng mô hình. Trong suốt quá trình triển khai dự án, Hội ND tỉnh Bắc Ninh phối hợp Hội ND huyện Gia Bình, Hội ND xã Cao Đức thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền nếu có phát sinh hoặc sự cố để tìm hướng giải quyết triệt để, đảm bảo sự thành công của dự án.
Có 12 hộ dân trực tiếp tham gia thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng cà rốt theo hướng an toàn sinh học tại xã Cao Đức”, với 12ha canh tác cà rốt đúng quy trình, kỹ thuật đã được tập huấn, hướng dẫn.
Thu từ trăm triệu đến cả tỷ đồng
"Với diện tích canh tác khoảng 500ha/vụ, cà rốt đang được coi là cây màu chủ lực, có tác động tích cực đến quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại vùng thuần nông huyện Gia Bình. Việc xây dựng thương hiệu “Cà rốt Gia Bình” đang được xúc tiến khẩn trương theo hướng bài bản, tập trung”. Ông Hoàng Văn Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Bình |
Cánh đồng trồng cà rốt rộng lớn nhất và cho doanh thu tiền tỷ đang ứng dụng chế phẩm vi sinh tại Gia Bình là cánh đồng của ông chủ trẻ Nguyễn Văn Linh (thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức). Anh Linh cũng là một trong những người đầu tiên ở Gia Bình ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng cà rốt, xuất bán sản phẩm cho Nhật Bản. Trung bình mỗi năm anh xuất bán cho phía Nhật từ 1.500 - 2.000 tấn cà rốt, mang về hàng chục tỷ đồng.
Từ những thành công bước đầu của gia đình, anh Nguyễn Văn Linh cùng với các hộ vừa được hỗ trợ từ dự án trồng cà rốt bằng chế phẩm sinh học đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mỹ Linh (xã Cao Đức, Gia Bình). HTX đã liên kết sản xuất cà rốt theo chuỗi giá trị sản phẩm với đối tác Nhật Bản.
Sau khi ký hợp đồng, toàn bộ nguồn giống, quá trình canh tác của 16 hộ thành viên HTX đều được doanh nghiệp giám sát, kiểm tra định kỳ, phía nông dân lo khâu phân bón và chăm sóc. Quy trình chăm sóc cà rốt đảm an toàn cho sản phẩm và nhà nông vì sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ; nước tưới lấy từ sông Đuống, xa khu chăn nuôi nên bảo đảm vệ sinh môi trường.
Năm đầu tiên, HTX xuất khẩu khoảng 23.000 tấn cà rốt đạt tiêu chuẩn sang Nhật Bản đem lại thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/hộ, cá biệt có hộ có từ 8-9ha trồng cà rốt và rau củ quả có thể đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Ông Hoàng Văn Sơn - Chủ tịch Hội ND huyện Gia Bình tính toán, mỗi sào cà rốt cho thu hơn 10 triệu đồng, trừ đầu tư tiền giống, vật tư, phân bón, nhân công chăm sóc, các hộ trồng cà rốt thu về khoảng 5-7 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với các cây trồng khác.
“Vì vậy, huyện đang chủ trương xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất cà rốt như: Cao Đức, Vạn Ninh, Thái Bảo, Đại Lai…, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào việc sản xuất, thu gom, sơ chế để phân phối cà rốt quy mô hàng hóa nhằm nâng chuỗi giá trị cho sản phẩm” - ông Sơn nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn