Từ ngày 13 - 16.6.2017, lần đầu tiên kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV dành 3 ngày làm việc để tổ chức hoạt động chất vấn, 4 Bộ trưởng gồm Bộ trưởng Y tế; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Văn hoá - Thể thao và Du lịch sẽ đăng đàn để trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Ngoài ra, 4 Phó Thủ tướng cùng tham gia trả lời và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dành 40 phút cuối của phiên chất vấn để phát biểu ý kiến và trả lời chất vấn của ĐBQH. Báo Lao Động đã ghi lại một số ý kiến của các ĐBQH xung quanh nội dung này.
ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị): Hàng nông sản chúng ta đang thua ngay trên sân nhà
Tôi sẽ chất vấn liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, gần đây chúng ta liên tục phải đặt ra vấn đề “giải cứu” nông sản, điều này có trách nhiệm gì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản chúng ta đang thua ngay trên sân nhà, rất nhiều sản phẩm nông sản của nước ngoài, từ gạo, thịt bò của nước ngoài đã tràn ngập, lấn chiếm thị trường nước ta. Vì vậy không có cách nào khác là chúng ta phải tự cứu lấy mình, phải chiếm lĩnh thị trường 90 triệu dân trong nước trước rồi mới đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.
Tôi cũng sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ về việc chấn chỉnh cung cách làm việc của cán bộ, bộ máy hành chính của Nhà nước, hay việc bổ nhiệm người thân, người nhà làm quan chức diễn ra tại nhiều bộ ngành, địa phương. Đây cũng là vấn đề không chỉ người dân, cả Chính phủ, Quốc hội đều rất quan tâm. Vì vậy, Chính phủ, các ĐBQH đã đề xuất, đặt vấn đề trong chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có nội dung giám sát về tổ chức bộ máy nhà nước. Qua giám sát sẽ đặt ra vấn đề bộ máy của chúng ta đã hoàn chỉnh chưa, đã thực sự đặt vấn đề phục vụ nhân dân hay chưa, đánh giá những mặt được, chưa được để khắc phục.
Còn về 12 dự án nghìn tỉ đồng thua lỗ, bỏ hoang gây ra sự lãng phí, không phải bây giờ các ĐBQH mới đặt ra mà ngay từ các phiên chất vấn ở các kỳ họp trước đã được đề cập nhiều lần. Chính phủ cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát lại 12 dự án, đã phát hiện ra lỗi rồi, hậu quả cũng đã xác định được là rất lớn, khoảng 63.000 tỉ đồng. Bây giờ vấn đề đặt ra là hướng, các giải pháp xử lý như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM): Vì sao nông nghiệp Việt Nam lại không phát triển được?
Nông nghiệp là vấn đề tôi quan tâm nhiều từ đầu nhiệm kỳ và từ cả nhiệm kỳ trước nữa. Đó là người lao động nông thôn rất thông minh, sáng tạo nhưng lại đang rất cực khổ. Vì sao nông nghiệp Việt Nam lại không phát triển được, vì sao đời sống của người nông dân quá khó khăn, không thể tự sống một cách đàng hoàng được trên mảnh đất của mình? Với công lao động của mình? Tôi đã từng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng là khi nào và giải pháp gì để người nông dân không bỏ mảnh đất của mình để ra đi, làm thế nào để họ sống được, thậm chí sống khá giả và làm giàu được trên mảnh đất nông nghiệp của mình? Câu trả lời đã dần dần được hé lộ nhưng mà chưa được như mình mong muốn.
Đời sống của người nông dân vẫn còn đang rất khó khăn và nhìn ở một góc độ nào đó thì thấy rằng, chúng ta đang lãng phí nguồn lực lao động của nông dân, lãng phí nguồn lực đất đai rất là quan trọng. Chính sự lãng phí đó đã đặt ra vấn đề - định hướng phát triển nông nghiệp như thế nào? Các ngành có liên quan như công thương, kế hoạch đầu tư thế nào để có một nền nông nghiệp hiện đại phát triển?
Theo tôi, trước hết cần phải tổ chức sản xuất cho người nông dân. Nếu không tổ chức được sản xuất lớn, sản xuất hiện đại thì nền nông nghiệp của ta không thể phát triển được. Rồi vấn đề đầu tư như cây giống, con giống thế nào, đảm bảo sau thu hoạch ra sao? Có như vậy thì giá trị hàng hóa mới giữ được. Rồi còn vấn đề quan trong khác là thương hiệu. Vì sao nông nghiệp của chúng ta không có thương hiệu? Phải chăng Việt Nam không làm được? Vấn đề là chúng ta không đầu tư để làm. Cho nên sản phẩm của ta không có thương hiệu. Mặt khác ta không đầu tư cho chế biến nên sản xuất thô, giá trị gia tăng rất thấp trong khi bao nhiêu công sức của nông dân đổ vào đó mà kết quả không cao. Đây là bài toán cần phải giải quyết một cách rất căn cơ. Tôi rất buồn khi một số bộ ngành lý giải rằng, sở dĩ sản phẩm nông nghiệp thừa là người nông dân làm không theo cảnh báo, sản xuất theo phong trào. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải tổ chức sản xuất như thế nào chứ không phải đổ thừa trách nhiệm cho người nông dân, điều đó thực sự đáng trách và cũng đáng buồn.
Theo tôi, tại phiên chất vấn kỳ họp này quan trọng là người trả lời phải trả lời thấu đáo những vấn đề mà ĐBQH đặt ra. Có thể Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực trả lời nếu Phó Thủ tướng trả lời chưa thấu đáo, Thủ tướng trả lời sẽ hợp lý hơn. Nếu không trả lời hết được tại hội trường thì có thể trả lời bằng văn bản.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội): VN rất nhiều nước nhưng nước đang bị ô nhiễm
Tôi sẽ chất vấn cả Thủ tướng và các bộ trưởng tập trung vào 2 nội dung, đó là cách mạng 4.0 - cách mạng công nghiệp thứ tư và môi trường để làm sao tìm cách điều hành tập trung thống nhất nguồn lực để giải quyết.
Trong bối cảnh cách mạng 4.0 là vấn đề mang tính toàn cầu. Việt Nam mình đang phát triển mà không hội nhập ngay vào sự quan tâm lớn của toàn cầu thì không thể nào đi nhanh được.
Vấn đề cách mạng 4.0 đòi hỏi các doanh nghiêp (DN) phải vận động vươn lên, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Việc này đòi hỏi thể chế phải đi theo, đáp ứng được để DN có điều kiện bứt phá. Nếu thể chế không cải cách sẽ lạc hậu so với thực tiễn, trở thành rào cản trong phát triển. Đây là cơ hội cho đất nước, Trung ương đã nhận thức rõ vấn đề nhưng sự chuyển động từ cấp địa phương, sở ngành, quận huyện chưa nhận thức rõ. Cho nên cái đầu đã nghĩ đến mà chân tay không động thì không thể nào đáp ứng được yêu cầu. Đây là vấn đề cấp bách đòi hỏi các cấp các ngành quan tâm. Quan tâm không có nghĩa là nói suông mà phải có cái tổng thể trên toàn quốc.
Hiện nay chúng ta chưa có cái nhìn tổng thể, mỗi ngành, mỗi địa phương cũng nhận thức theo việc của mình, tự bỏ tiền đầu tư khoa học công nghệ, máy móc liên thông nhưng lại không kết nối với nhau. Đây là một bất cập vô cùng lãng phí nguồn lực. Vì vậy tôi sẽ có ý kiến để các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là Chính phủ chỉ đạo tập trung thống nhất nguồn lực.
Vấn đề thứ 2 là môi trường. Hiện nay chúng ta thấy môi trường đang là vấn đề bức thiết, mới đầu mùa hè thôi mà đã có những trận nóng nảy lửa, gây tổn hại cho sức khỏe con người cũng như cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và DN. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải hết sức quan tâm đến môi trường làm sao tăng cường cây xanh, mặt nước để giữ gìn, đặc biệt an ninh nguồn nước đang rất bức thiết. Chúng ta rất nhiều nước nhưng nước đang bị ô nhiễm. Đây là vấn đề hết sức bức xúc, đòi hỏi tập trung nguồn lực để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo sức khỏe cho con người, tạo điều kiện cho phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch.
Theo Xuân Hải/ Lao động