Tỷ lệ giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đạt thấp so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: internet.
Vốn trái phiếu Chính phủ: Hoàn thành hơn 1/2 “chặng đường”
Báo cáo Bộ Tài chính cho biết, kết quả giải ngân vốn TPCP đến hết tháng 7 là trên 44.947 tỷ đồng, đạt gần 50% kế hoạch năm, thấp hơn tỷ lệ thanh toán cùng kỳ năm 2013 (57%). Ước thanh toán đến hết tháng 8/2014 là 53.020 tỷ đồng, đạt gần 59% kế hoạch năm, thấp hơn tỷ lệ thanh toán cùng kỳ năm 2013 (63,5%).
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2014 thì tổng kế hoạch vốn được giao là trên 157,835 tỷ đồng. Trong đó, trung ương quản lý trên 33.686 tỷ đồng và địa phương quản lý trên 124.149 tỷ đồng. Tính đến nay, với nguồn vốn TPCP, có 61 địa phương đã phân bổ kế hoạch vốn TPCP cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, ký túc xá sinh viên; 49/50 địa phương đã phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án đối ứng ODA và 43/59 địa phương đã phân bổ kế hoạch vốn cho CTMTQG nông thôn mới; 49/49 địa phương đã phân bổ vốn TPCP bổ sung theo quyết định số 750/QĐ- BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Như vậy, về cơ bản, công tác phân bổ nguồn vốn TPCP được thực hiện theo đúng quy định (đảm bảo đúng danh mục và chi tiết mức vốn được giao đối với các lĩnh vực). Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: Các chỉ tiêu về báo cáo (quyết định đầu tư, cơ cấu nguồn vốn báo cáo của UBND tỉnh và quyết định giao kế hoạch của địa phương) không thống nhất; hiện vẫn còn 8 địa phương chưa thực hiện phân bổ và giải ngân vốn TPCP hỗ trợ cho CTMTQG nông thôn mới (tỉnh đã phân bổ cho huyện, xã nhưng huyện, xã chưa phân bổ chi tiết đến dự án).
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản: Giải ngân gần 50% kế hoạch
Tính đến hết tháng 7/2014, số vốn xây dựng cơ bản (XDCB) đã thanh toán là trên 78.572 tỷ đồng, đạt 49,8% kế hoạch năm 2014, xấp xỉ bằng tỷ lệ thanh toán cùng kỳ năm 2013 (50%). Ước thanh toán cho đến hết tháng 8/2014 là trên 97.476 tỷ đồng, đạt gần 62% kế hoạch năm, cao hơn tỷ lệ thanh toán cùng kỳ năm 2013 (57,6%).
Mặc dù việc phân bổ vốn được thực hiện tương đối tốt nhưng theo phân tích từ các đơn vị chức năng Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vẫn chưa cao là do một số đơn vị có tỷ lệ thanh toán còn thấp hoặc chưa giải ngân nên đã kéo tỷ lệ thanh toán vốn đầu tư XDCB xuống như: Đại học Quốc gia Hà Nội (14,5%); Viện Khoa học công nghệ (16,5%); Đà Nẵng (27,6%), Bắc Ninh (33,3%)...
Đối với các lĩnh vực tái định cư thủy điện, tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do các địa phương còn tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2013 được phép kéo dài đến ngày 30/9/2014 hoặc mới bắt đầu thực hiện phân bổ vốn do mới được giao vào đầu tháng 6/2014. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa cũng làm cho tiến độ giải ngân chậm là do tình hình thời tiết mưa bão.
Kích “tiến độ” giải ngân
Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các địa phương chưa thực hiện phân bổ kế hoạch vốn TPCP cho CTMTQG nông thôn mới và dự án đối ứng ODA cần tập trung triển khai để hoàn thành nhiệm vụ này. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương thực hiện theo hướng dẫn tại các công văn mà Bộ đã gửi về thúc đẩy giải ngân nguồn vốn NSNN và vốn TPCP, hướng dẫn thanh toán vốn cũng như về việc phân bổ, giải ngân vốn TPCP năm 2014...
Với việc hướng dẫn thanh toán tạm ứng đối với các dự án sử dụng hợp đồng đối với các dự án sử dụng vốn NSNN và vốn TPCP kể từ quý III năm 2014 tại công văn số 10726/BTC- ĐT, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành cũng như Kho bạc nhà nước cần sớm triển khai thực hiện.
Đối với lĩnh vực tái định cư thủy điện, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương tập trung đẩy nhanh công tác phân bổ, thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đã được giao...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn