Trong những năm gần đây khi cá tra xuất sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (TQ-HK) có mức tăng cao thì thị trường EU lại giảm.
TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) phân tích: Trong 3 thị trường chính của cá tra XK, thị trường Mỹ và EU giữ vững, phát triển sẽ tạo thế cân bằng với thị trường TQ-HK đang lên. Trong năm 2017, dự đoán ban đầu, diện tích vùng nuôi không tăng, chỉ tương đương năm 2016 nhưng sản lượng ổn định. Hơn nữa nhờ giá cá tăng, XK sang TQ-HK tăng và nguồn cung cá nguyên liệu giảm trong các tháng cuối năm…
Chế biến cá tra XK ở ĐBSCL (Ảnh: LHV) |
Dự báo kim ngạch XK cá tra có thể vượt 1,7 đến 1,8 triệu USD. Đó là nhờ vào 3 thị trường trọng điểm trên. Tuy nhiên, khi thị trường TQ-HK tăng sức mua thì quan sát từ vùng nuôi hiện nay cho thấy các DN có sự tỉnh táo và người nuôi cá bình tĩnh, không có hiện tượng chạy theo giá bán đang cao để thả cá giống nuôi ào ạt như trước đây.
Theo ông Dũng, từ năm 2011 đến nay cơ cấu thị trường XK có sự dịch chuyển. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra Việt Nam, chiếm tỷ trọng từ 20-23%. Song, dự báo thị trường này đang tăng mức kiểm tra nghiêm ngặt.
Từ đầu tháng 8/2017 Mỹ bắt đầu kiểm tra 100% lô hàng, tập trung 3 vấn đề kiểm tra gồm: nhãn mác, các thông số ghi trên bao bì và dư lượng hóa chất. Cục Thanh tra ATTP (an toàn thực phẩm-FSIS) Bộ Nông nghiệp Mỹ kiểm soát nghiêm ngặt theo từng công đoạn (từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y đến vận chuyển, nhà máy).
Tiếp đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế cao áp cho cá tra trong đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 12 (POR12) và từ đầu tháng 9/2017 đã thực thi đầy đủ quy định của đạo luật nông trại Mỹ (Farm Bill) xác định điều kiện.
Trong khi đó, cá tra Việt Nam xuất vào TQ-HK có giá trị và cơ cấu kim ngạch XK ngày càng có xu hướng tăng. Năm 2014 là 6,4%, năm 2015 là 10,3%, năm 2016 là 17,8% và 10 tháng đầu năm 2017 chiếm tỷ trọng 22,8%. Đến cuối năm 2017 dự báo thị trường nhập khẩu cá tra TQ-HK sẽ vượt Mỹ lên dẫn đầu.
Thời gian qua các hoạt động xúc tiến thương mại cá tra sang TQ không chỉ dừng lại ở vùng duyên hải mà còn đi sâu vào nội địa ở các tỉnh Hồ Bắc, Tứ Xuyên. Tuy nhiên đây là thị trường khó dự đoán, dù là thị trường tiềm năng nhưng đang là điểm nóng thế giới về vệ sinh ATTP. Do đó kiểm soát hàng hóa qua tiểu ngạch là một vấn đề đang đặt ra. Mặt khác, hiện thời thị trường TQ cũng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và sản phẩm cá tra phải đáp ứng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu nhập khẩu của phía TQ.
Trong vài năm gần đây cá tra XK sang thị trường EU sụt giảm, từ chiếm tỷ trọng 24% 2012 xuống còn 15% 2016. Trong 9 tháng đầu năm 2017 kim ngạch XK cá tra sang EU đạt 154 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,8%, đứng thứ ba sau TQ-HK và Mỹ. Theo đánh giá chung có thể do yếu tố khách quan như khủng hoảng kinh tế chung trên thế giới; do năng lực cạnh tranh của DN chế biến cá tra so với các DN quốc tế đang kinh doanh các loài cá thịt trắng bản địa (cá tuyết, cá Alaska pollock…), cá biển khác: cá ngừ, cá hồi...
Ông Dũng nhận định: Vai trò của thị trường EU là một thị trường chính cần được giữ vững để tạo nền tảng phát triển bền vững cho các thị trường khác. Vừa qua chương trình xúc tiến, quảng bá cho ngành thủy sản Việt Nam đã được Bộ Ngoại giao phối hợp tổng cục thủy sản xây dựng trình Bộ NN-PTNT. Mục đích chương trình nhằm gởi tới người tiêu dùng các nước EU hình ảnh về sản phẩm thủy sản Việt Nam (tôm, cá tra) đảm bảo AT, VSTP và thân thiện môi trường từ ao nuôi đến bàn ăn. Như vậy vấn đề cần tính toán, làm thế nào để phát triển ngành hàng cá tra bền vững, gắn với thị trường; sản phẩm chất lượng đáp ứng thị trường XK. Do đó cần có chuyên gia tư vấn chiến lược cho ngành hàng cá tra.
+ Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản:
Thị trường EU vào được, chúng ta sẽ tạo sự cân bằng, giữ thị trường ổn định cho ngành hàng cá tra trong năm 2018. Hiện nay việc phát triển thị trường rất quan trọng, Chính phủ, Bộ NN-PTNT thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản trên cơ sở tổ chức lại và thực thi các nhiệm vụ trọng tâm là phát triển thị trường nông-lâm-thủy sản được đặt lên hàng đầu. Cùng với mục tiêu giữ vững, phát triển thị trường truyền thống, nhiệm vụ tiếp tục mở mới, tìm kiếm thêm nhiều thị trường khác. Thông qua hội thảo để tiếp nhận các ý kiến chia sẻ về các giải pháp thương mại, truyền thông. Cùng với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, giữ được thị phần XK cá tra sang EU. + Ông Vũ Duyên Hải, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thủy sản:
Đặc điểm thị trường EU, chất lượng đặt lên hàng đầu. Nhiều nhà XNK thủy sản vào EU nếu sản phẩm thủy sản đạt chất lượng vào thị trường này thì có thể vào tất cả thị trường khác. Đối với cá tra cần giữ vững chất lượng, thương hiệu uy tín vào thị trường này. Tuy nhiên hiện XK cá tra vào EU đang sụt giảm và dự báo sẽ còn sụt giảm trong khi xu thế khách hàng có thể chuyển sang nhập khẩu cá tra từ Banladesh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… Thế nhưng cá tra VN thịt trắng, chất lượng ngon hơn. Hiện nay mức tiêu thụ cá tại EU 35 kg/người. EU có 500 triệu người, trong đó cá rô phi, cá trắng chiếm 50-70% và có xu thế tăng dần; cá tra khoảng trên 30%. Trước thách thức về chất lượng và thông tin chưa đúng về cá tra cần có thông tin trung thực nhất đến người tiêu dùng; giữ vững chất lượng, tăng chất lượng, tăng giá trị cá tra. + Ông Jean Charles Diener, Giám đốc OFCO, chuyên gia tư vấn chiến lược:
Với kinh nghiệm 17 năm chuyên về kiểm định và chất lượng thủy sản, tôi cho rằng cá tra có tầm quan trọng, là nhóm cá lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau cá chép và cá rô phi. Cá tra chiếm 50% cá da trơn. Đây là loài cá tuyệt vời và là mặt hàng tuyệt vời. Hiện có nhiều người hiểu lầm về cá tra trên thế giới. Chúng ta cần có chiến lược quảng bá, truyền thông làm cho người tiêu dung thế giới biết rõ. Chúng ta cần phải cải thiện chiến lược bán hàng, tùy mỗi quốc gia có thị trường khác nhau. Phát triển cá tra đến cách kênh phân phối vào siêu thị, nhà hàng. Sản phẩm cá tra thị trắng phi lê đông lạnh vào nhà hàng bán thành công. Song, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh cá tra chưa thành công. Hiện cá tra đang bán như một loại hàng hóa giá rẻ. Vì vậy cần có kế hoạch truyền thông lâu dài, cần xem lại vì sao con tôm Việt Nam thành công? Sản phẩm cá tra có thể nhắm đưa vào suất ăn công nghiệp vào trường học, công ty, bệnh viện hay có thể bán cá tra hàng tuần cho những người không chán ăn loại thực phẩm này. Mỗi thị trường có kênh phân phối khác nhau và cần có chiến lược riêng để thâm nhập. Cần có bước chuẩn bị, quảng bá thương hiệu để thành công, để lấy lại thị trường đã mất… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn