HTX Đa Phúc được chuyển đổi theo Luật HTX Việt Nam năm 2012, chính thức đi vào hoạt động tháng 6-2016. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 500 triệu đồng; xã viên góp mỗi người 260.000 đồng. Để có vốn hoạt động trong những ngày đầu thành lập, bốn thành viên trong Ban quản lý HTX đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình để vay vốn ngân hàng và được UBND xã cho phép thành lập quỹ tín dụng nội bộ. Với thủ tục gọn nhẹ, thuận tiện cho người gửi, chỉ sau sáu tháng thành lập, quỹ đã huy động được hơn 1,2 tỷ đồng, đủ nguồn vốn bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Bình quân, mỗi vụ HTX cung ứng cho bà con nông dân hơn 50 tấn vật tư phân bón và 5 tấn thóc giống. So với trước khi chuyển đổi, HTX đã giảm được chi phí dịch vụ đồng ruộng mỗi vụ từ 15 đến 20%. Nông dân không còn đối mặt với tình trạng nước tưới, vật tư phân bón, thóc giống kém chất lượng. Hằng ngày, ông Vương vừa điều hành công việc chuyên môn, vừa tranh thủ thăm đồng, chỉ đạo, hướng dẫn xã viên gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng đúng quy trình kỹ thuật. Xã và HTX phát động toàn dân ra quân làm đường giao thông, hệ thống thủy lợi, sản xuất, chế biến phân chuồng, phân xanh cải tạo đất bạc màu... Ông tham mưu UBND xã kiện toàn củng cố đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Ban quản lý HTX hiện nay chỉ còn bốn người, là giám đốc, phó giám đốc, kế toán và nhân viên kho quỹ kiêm cung ứng vật tư, phân bón, thóc giống. Việc điều tiết nước, phòng trừ dịch bệnh trên đồng ruộng, thu gom xử lý rác thải ở hai xóm được đấu thầu giao khoán cho năm xã viên đảm nhận. Dịch vụ đồng ruộng, phí thu gom xử lý rác thải được thu theo quy định của UBND xã, mỗi năm thu 2 kg thóc/sào (trước đây 10 kg/sào). Phí thu gom rác thải là 3.500 đồng/người/năm. Sau một thời gian chuyển đổi, với sự điều hành linh hoạt, quản lý chặt chẽ của Giám đốc Hoàng Vương, HTX Đa Phúc đã gặt hái được những thành công nổi bật, nhất là giúp nông dân mở rộng diện tích sản xuất các mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Xã viên thay đổi nhận thức canh tác và tạo thói quen sản xuất giá trị các mặt hàng nông sản theo chuỗi, sắp xếp lại lao động theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Diễn Châu và tỉnh Nghệ An. Với tác phong “bám đội, lội đồng”, Giám đốc Hoàng Vương đã thành công trong thực hiện luân canh gối vụ, giúp xã viên sử dụng quỹ đất đạt hệ số 2,8 lần/năm. Cả 73 ha đất canh tác của HTX được sử dụng đúng mục đích, gieo trồng mỗi năm ba vụ đều đạt năng suất cao. Tổng sản lượng lương thực và nông sản đạt mỗi năm hơn 180 tấn, cùng với hàng chục tấn rau sạch, củ, quả đã bảo đảm an ninh lương thực, tạo ra hàng hóa, phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập cho người dân. Hơn 20 năm gắn bó với phong trào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Giám đốc Hoàng Vương đã nêu tấm gương hết lòng vì đồng ruộng, quê hương. HTX Đa Phúc được coi là “đầu tàu” trong xây dựng nông thôn mới, nhất là giúp người dân sớm hoàn thành tiêu chí số 13 về đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tại xã và địa bàn dân cư.
|
LÊ HOÀI THUNG (Nghệ An) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn