Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) xuống 17% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ năm 2017 đến hết năm 2020. Tại sao lại chỉ áp dụng có thời hạn quy định này?
Đảng và Nhà nước luôn luôn dành cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa sự quan tâm đặc biệt, nhất là các chính sách về thuế. Cụ thể, trong giai đoạn 2014-2015, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, trong khi doanh nghiệp lớn phải chịu thuế 22%. Kể từ ngày 1/1/2016, tất cả doanh nghiệp phải chịu chung một mức thuế suất là 20%.
Ngày 29/4/2016, lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ, ngành tổ chức cuộc họp với cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM và đặt mục tiêu, đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó giao Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng này.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) |
Thuế suất 20% được quy định trong Luật thuế TNDN, nghị quyết không thể quy định mức thuế suất mới áp dụng lâu dài được, vì vậy, Bộ Tài chính mới kiến nghị áp dụng thuế suất 17% có thời hạn. Trong thời gian này, chúng tôi sẽ nghiên cứu để sửa Luật thuế TNDN, mức thuế suất phổ thông bao nhiêu, có tiếp tục ưu đãi hay không, ưu đãi cho đối tượng nào do Quốc hội quyết định.
Việc giảm thuế TNDN ảnh hưởng thế nào đến thu ngân sách nhà nước, thưa ông?
Tác động đến số thu ngân sách thế nào còn phụ thuộc vào cách xác định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu lấy tiêu chí doanh thu không quá 20 tỷ đồng như quy định tại Luật thuế TNDN thì ngân sách giảm thu 473 tỷ đồng/năm, vì hiện tại, số lượng doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí này chiếm tới 86,2% tổng số doanh nghiệp, nhưng chỉ đóng thuế TNDN 2.746 tỷ đồng/năm. Còn nếu lấy tiêu chí doanh thu không quá 100 tỷ đồng như Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì ngân sách giảm thu khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, vì số lượng doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí này chiếm 95,2% tổng số doanh nghiệp, đóng thuế TNDN 8.710 tỷ đồng/năm.
Nói chung, dù áp dụng theo chí nào đi chăng nữa thì ngân sách giảm thu không nhiều. Bù lại, với chính sách ưu đãi, khuyến khích này hàng năm sẽ có thêm hàng chục ngàn doanh nghiệp thành lập mới, số thu ngân sách nhờ đó tăng lên.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị áp mức thuế suất thuế TNDN 17% trong giai đoạn 2017-2020 đối với doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up). Thưa ông, vấn đề là xác định thế nào là start-up?
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2010, Chính phủ cũng thảo luận về vấn đề này vì hoạt động start-up mới nổi lên ở nước ta vài năm gần đây nên chưa có văn bản nào quy định thế nào là start-up. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học - Công nghệ quy định tiêu chí cụ thể về start-up.
Nói như vậy không có nghĩa là, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các start-up không được hưởng thuế TNDN 17% ngay vì còn phải chờ Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành tiêu chí?
Tuyệt đại đa số start-up đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên họ cũng được hưởng ngay thuế suất thuế TNDN 17% sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết.
Thực tế, Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 cũng đã quy định, đối tượng được hỗ trợ gồm cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Có nghĩa là, không phải tổ chức, cá nhân nào thành lập doanh nghiệp mới cũng được coi là start-up mà phải đáp ứng điều kiện có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới mới được coi là start-up.
Một trong những nội dung được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đó là việc lấy lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản bù trừ với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì sao, Bộ Tài chính lại cho phép bù trừ, thưa ông?
Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và điều đáng mừng là nhiều “ông lớn” Vingroup, Hòa Phát, Hoàng Anh-Gia Lai, SSI… bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tư vào nông nghiệp có độ rủi ro rất cao, không chỉ phụ thuộc vào thị trường, mà còn phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên, thời tiết, dịch bệnh. Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cần có nhiều chính sách, giải pháp. Chính vì vậy, trong lĩnh vực tài chính, chúng tôi kiến nghị cho phép sử dụng tiền lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư bù trừ với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn