Dân nghèo chẳng những mất tiền mua giống rởm mà còn mất luôn những vụ sản xuất nhằm duy trì sự tồn tại của họ.
Có đi lên vùng cao Bắc Kạn mới thấy cây giống, hạt giống bày bán tràn lan ở hầu khắp các phiên chợ quê. Thùng xe ô tô được sử dụng làm kho bán giống, phân bón lưu động. Người dân vẫn có thói quen mua giống ở ngoài, chẳng cần để ý bao bì, tên công ty cung ứng, hạn sử dụng. Khi cơ quan quản lý Nhà nước lúng túng, vai trò của chính quyền hạn chế thì dân nghèo thiếu kiến thức trở thành con mồi của thương lái.
Thùng xe ô tô biến thành kho bán giống, phân bón lưu động ở các phiên chợ vùng cao |
Ngay cả những DN kinh doanh giống có tiếng cũng "buôn gian, bán lận". Vụ mùa 2016, Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn đã đưa giống lúa kém chất lượng và vật tư nông nghiệp (VTNN) giá trên trời về cung ứng cho bà con. Kết quả, nhiều người dân huyện Chợ Đồn mua phải giống lúa Bao Thai của Cty khi ngâm ủ không mọc mầm, bị thối. Đơn vị cung ứng giống đã khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, việc thay đổi cơ cấu mùa vụ, công sức đầu tư và đặc biệt là niềm tin của người dân thì "cuốn theo chiều gió".
Chưa hết, cũng trong vụ mùa 2016, khi tiến hành kiểm tra một số diện tích lúa trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, cán bộ chuyên môn huyện Ngân Sơn tá hỏa khi thấy hàng trăm ha giống lúa mới, không nằm trong cơ cấu đã bị tuồn vào đồng ruộng, lấy người dân ra làm thí nghiệm. Tìm hiểu kỹ hơn thì đơn vị cung ứng vẫn là Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn.
Tình trạng loạn giống lâm nghiệp cũng xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn Bắc Kạn. Một chủ cơ sở vườn ươm tại tỉnh này đã cung ứng cây giống không nằm trong cơ cấu cây trồng lâm nghiệp của tỉnh cho dân gieo trồng với diện tích hàng trăm ha qua 3 năm nhưng mới đây mới bị phát hiện. Đó là cây bời lời đỏ.
Chi cục KL Bắc Kạn qua nắm bắt tại cơ sở đã phải thành lập đoàn công tác để tìm hiểu về loại cây trồng trên tại 3 tỉnh Quảng Trị, Bình Định và Gia Lai. Theo đó, cây này đã được các hộ dân tự ý trồng theo sự đầu tư của một cơ sở kinh doanh giống. Từ năm 2014, ông Đỗ Thanh Biên (xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới) đã cung cấp giống cho các hộ gia đình thuộc 6/8 huyện, TP gieo trồng tới 160 ha. Chủ cơ sở còn bán cây con cho các hộ dân tự trồng được 20 ha với giá 3.000 đồng/cây.
Giống lúa kém chất lượng khiến dân lao đao |
Nhận thấy, chủ vườn ươm chưa tuân thủ quy định khi phát triển vườn ươm, giá bán cây giống cao gấp nhiều lần so với thông thường (ông Biên bán với giá 3.000 – 5.000 đồng/cây, trong khi nhiều nơi bán chỉ 600 đồng/cây), ngày 31/07/2017, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chi cục trưởng KL tỉnh đã ký báo cáo 521 đề nghị Sở NN- PTNT, UBND tỉnh kịp thời chấn chỉnh sai phạm của chủ vườn ươm.
Ngày 20/06 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành công văn về việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng VTNN trên địa bàn tỉnh. Một trong 3 vấn đề nổi cộm, bức xúc, yếu kém nhất được Sở NN- PTNT Bắc Kạn lựa chọn giải quyết là: Công tác quản lý giống cây trồng còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng các giống ngoài cơ cấu được đưa vào gieo trồng với diện tích lớn, nhiễm bệnh, gây thiệt hại cho người dân.
Theo giải trình của Sở, nguyên nhân khách quan là do văn bản quản lý nhà nước chưa quy định chặt chẽ như Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN, ngày 27/11/2007 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.
Cụ thể, quy định về trình tự sản xuất thử tại khoản 2, điều 8 về thời gian báo cáo: “Sau khi kết thúc thời vụ gieo trồng tối đa 30 ngày, tổ chức, cá nhân có giống sản xuất thử hoặc được uỷ quyền gửi báo cáo tên giống, địa điểm, diện tích, thời gian sản xuất thử về Cục Trồng trọt và Sở NN- PTNT nơi sản xuất thử”. Quy định này không phù hợp với thực tế sản xuất, các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng không khai báo với cơ quan chuyên môn địa phương, do đó khó khăn cho công tác quản lý.
Cây bời lời đỏ khiến ngành lâm nghiệp Bắc Kạn lúng túng trong chỉ đạo xử lý. |
Ông Nguyễn Đình Điệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết, hiện nay số lượng các giống cây trồng quá nhiều. Đến cán bộ còn chưa biết hết, chưa kiểm soát đánh giá được chất lượng giống thì người dân làm sao nắm bắt nổi.
Với đặc trưng riêng có về khí hậu, thổ nhưỡng thì bất kể một loại cây trồng nào vào Bắc Kạn cũng phải tuân thủ quy định của cơ quan chuyên môn và phải được báo cáo sản xuất thử. Sản xuất thử qua vài vụ thì mới đảm bảo tính bền vững của giống. Đối với những giống mới, việc thanh kiểm tra chỉ có tác dụng kiểm soát được phần ngọn, không thể nắm bắt được quy trình sản xuất giống có đảm bảo hay không.
Bà Nông Thị Nguyệt, Chánh thanh tra Sở NN- PTNT tỉnh cho biết, theo quy định, đơn vị đưa giống mới vào sản xuất, kết thúc thời vụ gieo trồng 30 ngày mới báo cáo thì cơ quan quản lý Nhà nước trở tay không kịp. Lúc sự việc bị phát hiện, cơ quan quản lý chỉ còn biết chạy theo để xử lý chứ không thể ngăn chặn được hậu quả xảy ra. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn