Tía tô xuất Nhật giá 500-700 đồng/lá, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính đem lại năng suất 10-15 lần so với nuôi tôm truyền thông, hay mới đây Thanh Long trồng theo công nghệ cao của Việt Nam chính thức bước vào thị trường Úc sau 9 năm đàm phán cho thấy, giá trị của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp công nghệ cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định là “làn sóng mới” trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng, bước đầu cạnh tranh được với hàng hóa nhập ngoại và hướng tới xuất khẩu. Đây cũng là hướng đi tất yếu để nông nghiệp thực sự là một thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển với nhiều khó khăn, thách thức. Sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo công nghệ cao chiếm tỷ trọng rất nhỏ, hàm lượng công nghệ ứng dụng trong sản xuất còn thấp, doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này, nhân lực thiếu thốn.

Nhằm khuyến khích đầu tư và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; giới thiệu các thành tựu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhân rộng các mô hình thành công tới đông đảo bà con nông dân và doanh nghiệp, báo Tiền Phong tổ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề : Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Buổi giao lưu diễn ra vào 9h30-11h ngày 26/12/2017 với sự tham gia của 3 khách mời gồm:

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.

TS Vũ Văn Tâm,  Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia.

Mời độc giả đặt câu hỏi cho khách mời gửi về hộp thư theo địa chỉ : online@baotienphong.vn