Giao thông nông thôn - Điểm sáng về phát huy nội lực trong dân
Chủ nhật - 21/08/2016 10:10
Đường giao thông làm đến đâu, bộ mặt vùng nông thôn đổi thay đến đó đã minh chứng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là khâu trọng tâm có tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Qua nhiều năm thực hiện với chủ trương đúng đắn cùng sự đồng lòng của người dân, tiêu chí giao thông nông thôn đã và đang dần hoàn thiện. Những tuyến đường bê tông kiên cố đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương
Con đường liên xóm dài 1.3km được bê tông hóa rộng rãi, phẳng phiu. Giao thông đi lại thuận tiện. Người dân vận chuyển hàng nông sản dễ dàng. Ông Lục Văn Sinh trú tại tổ 4, thôn Vĩnh Sơn, mới thấy công sức mình bỏ ra chẳng hề vô nghĩa. Năm 2015, Vĩnh Phúc đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn theo phương châm nhà nước hỗ trợ xi măng và nhân dân thực hiện. Theo đó, người dân ở tổ 4 và tổ 9 đã đóng góp mỗi hộ 2.200.000 để mua vật liệu và đóng góp ngày công làm đường. Lúc này, ông Sinh chẳng phải là trưởng thôn hay Bí thư chi bộ, cũng sẵn sàng đảm nhận vai trò giám sát chất lượng thi công tuyến đường. 5 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã xây dựng, nâng cấp và làm mới được khoảng 1.512km đường giao thông nông thôn. Trong đó, làm đường trục xã, liên xã là 672km, đường trục thôn bản là 529km, đường ngõ xóm là 263km và 47km đường trục chính nội đồng đảm bảo xe cơ giới qua lại thuận tiện. Với nhiều địa phương, con số này chẳng đáng là bao nhưng với một tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn và địa hình phức tạp như Hà Giang thì đó là cả một kỳ tích. Bởi để làm được 1km đường bê tông, người dân phải bỏ công sức, tiền của gấp 3 đến 5 lần nơi khác. Và dù đất sản xuất phải tận dụng từng hốc đá, nhưng người dân vẫn sẵn sàng hiến gần 1,7 triệu m2 đất, đóng góp hơn 1,8 triệu ngày công lao động.
Hiện nay, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 8.489km. Trong đó, có 1.881km đường huyện, 4.539km đường xã và khoảng 2.069km đường thôn, bản. Để duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông, các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền nhân dân tham gia duy tu, bảo dưỡng đường giao thông. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tạo được lòng tin trong dân đã góp phần giúp cho các địa phương thành công trong huy động sức dân. Và khi sức dân đồng lòng thì việc khó cũng trở nên dễ dàng. Những con đường làng hôm nay được thay áo mới chính là những đóng góp của người dân. Sự đồng thuận từ ý đảng lòng dân đã góp phần xây dựng làng xóm khang trang, sạch đẹp. Để từ đây, chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ có những bước chuyển mới, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo Hagiang.tv