Ông Nguyễn Như Cường, quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu tại Hội nghị
Được biết, có 4 loại giống trong nhóm lúa Japonica được tiến hành trồng khảo nghiệm trong năm 2019, theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ: ĐS1, Vaas16, J01, J02, đây là những giống lúa có ưu điển vượt trội như: ít sâu bệnh, sức chống chịu lớn, chất lượng gạo dẻo, thơm ngon hơn so nhiều giống lúa khác.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thành, ông Đinh Tiến Thao, cho biết, giống lúa ĐS1, năng suất khá, bình quân trên 60 tạ/ha, giá trị kinh tế cao hơn 15 – 20%, so với các giống lúa địa phương đang sử dụng.
Theo đó, để đảm bảo đầu ra cho hạt lúa, HTX đã ký kết với Công ty Xuất nhập khẩu lương thực Bảo Minh, bao tiêu toàn bộ sản lượng cho nông dân, với giá 6.000 đồng/kg thóc tươi.
Bà Phùng Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu GreenPath, cho biết: “Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, Công ty có 4 phương pháp, gắn camera tại vùng trồng, truy xuất nguồn gốc từ khâu làm mạ đến sau thu hoạch...
Đơn vị phối hợp xuất khẩu với chúng tôi là, HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ; năm 2019, vụ Xuân và vụ mùa lúa Jamonica của HTX đạt 8 tấn/ha.
Năm nay, người trồng lúa hữu cơ Đồng Phú, sau khi xuất khẩu, đã để lại 40 tấn để ăn. Chính những người sản xuất ra hạt gạo hữu cơ, phải được thụ hưởng những thành quả của mình; những năm trước, bà con thường bán đi (do lúa hữu cơ có giá cao), và mua lúa thường về ăn.
Ký cam kết hợp tác giữa các bên trong Hội nghị
Hiện, gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú, đạt chuẩn 100% do Hoa Kỳ chứng nhận, nhóm giống lúa mới Jamonica sẽ là chất lượng, thương hiệu mới, khi chúng tôi tiếp tục xuất khẩu sang châu Âu trong những năm tới”.
Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, bà Hoàng Thị Hoà, cho biết: “Các giống lúa trong nhóm Japonica được Trung tâm triển khai năm 2019, bình quân đạt 60 – 65 tạ/ha, thu nhập ước đạt 19,4 triệu đồng/ha, cao hơn so với giống Bắc thơm số 7, từ 10 - 15 triệu đồng/ha.
Hiện, đã triển khai được 15 vùng sản xuất lúa Japonica VietGAP và hữu cơ, tại 14 xã/7 huyện: Ứng Hoà, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, với tổng diện tích 865 ha, đạt 100% kế hoạch năm 2019”.
Ông Nguyễn Như Cường, quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp – PTNT), cho biết: “Hà Nội chiếm 1/5 diện tích lúa ĐBSH, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, tôi đánh giá cao sự quan tâm của Thủ đô với ngành nông nghiệp.
Trước đây, Hà Nội đã có đề án phát triển cây ăn quả đạt hiệu quả cao, nay là đề án lúa Japonica. Nguồn lực đầu tư cho ngành nông nghiệp của Hà Nội, là niềm mơ ước của rất nhiều địa phương trong cả nước.
Nhất là nỗ lực của Trung tâm Phát triển nông nghiệp, các giống lúa mới đều được Trung tâm trình diễn, đánh giá bài bản, khoa học, làm căn cứ sát thực khi tham mưu cho Sở để đưa vào sản xuất.
Muốn thị trường phát triển phải có doanh nghiệp, vấn đề khoa học công nghệ cũng đã được địa phương quan tâm, còn phát triển như thế nào để phù hợp với thị trường, cần cân nhắc để phát triển bền vững”.