Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, những bất cập trong khâu chế biến, tổ chức còn nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết là những rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Nông nghiệp Việt còn thiếu tính liên kết.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam chuyên đề nông nghiệp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 3.300 đến 3.700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 33.000 hộ trang trại, hàng nghìn hợp tác xã lớn.
Tính trong bốn tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017, trong đó giá trị xuất khẩu nông sản đạt 6,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, thặng dư ngành nông nghiệp dự kiến vượt 9 tỷ USD trong năm nay.
Đánh giá về cơ hội phát triển lĩnh vực nông nghiệp, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, đến năm 2035, Việt Nam sẽ có nửa số dân chuyển sang dân số thành thị và còn tăng liên tục.
Đi kèm với công nghiệp hóa, thu nhập của người dân về nông sản cũng tăng lên rõ rệt, theo dẫn chứng số liệu từ Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030 kết cấu tiêu dùng trong bữa ăn của dân cư sẽ thay đổi nhiều trong đó nhu cầu về rau, thịt sẽ tăng.
Việt Nam, cùng với Thái Lan được đánh giá là 2 quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á từ thị trường quốc tế rộng lớn nơi nhu cầu về ngũ cốc, sữa, rau quả và thịt đang không ngừng tăng lên khi dân số thế giới với con số hơn 7 tỷ dân cũng đang tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.
Đặc biệt, Trung Quốc sẽ là một thị trường tiềm năng, xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là gạo, cá tra, cao su, sắn và các loại quả.
Trong tương lai với nhu cầu của thị trường Trung Quốc ngày càng tăng cao, đặc biệt là sản phẩm gạo và rau quả, ông Sơn cho rằng, Việt Nam phải tận dụng và khai thác tối đa thị trường này, tuy nhiên phải thay đổi cách tiếp cận và hướng đến người tiêu dùng thay vì chỉ làm việc qua thương lái.
Nhắc nhiều đến thị trường quốc tế, song Việt Nam lại đang quên mất thị trường trong nước, ông Sơn cho rằng, kết cấu nền nông nghiệp đã thay đổi rõ rệt khi giá trị sản xuất thay đổi hàng năm. Trong đó, chăn nuôi và ngành thủy sản tăng lên, cây hàng năm và lương thực thu hẹp; cây ăn trái và cây công nghiệp đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, đa dạng hóa sẽ đem lại thu nhập ngày càng cao cho người nông dân.
Nhiều thách thức cho nông sản Việt
Để bước vào thị trường toàn cầu TS. Đặng Kim Sơn khẳng định, hội nhập là điều tất yếu. Các số liệu về cán cân thương mại cho biết, nông sản Việt Nam ngay từ khi hội nhập đã xuất siêu, năm 2018 dù có thể gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dương về xuất khẩu, điều này chứng minh rằng, thế mạnh của Việt Nam là một cường quốc về nông sản. Ông Sơn đánh giá, mặc dù đầu tư ít, bảo vệ yếu nhưng nông sản Việt vẫn vươn lên, do đó, nếu biết chăm chút và tổ chức tốt để vượt qua các thách thức thì sẽ là một lợi thế cho Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nông sản Việt còn gặp vấn đề trong khâu chế biến, đặc biệt là với những bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, yếu tố thị trường, chưa tổ chức được thị trường trong nước; điều này sẽ dẫn đến những hạn chế trong quá trình tiêu thụ.
Bên cạnh đó, nông nghiệp Việt Nam còn yếu về tính liên kết sản phẩm của các làng xã, và địa phương, nhiều bất cập trong vấn đề xử lý nguồn gốc đất.
Trong khi đó, ông Sơn cho rằng, theo báo cáo về lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia CPTPP của các nước thành viên, các khoản thuế trong nông nghiệp sẽ giảm đáng kể, nhưng còn rất nhiều hàng rào phi thuế quan phải vượt qua. Bên cạnh đó, với cam kết cắt giảm hàng rào phi thuế quan, Việt Nam sẽ mở rộng cánh cửa cho các nước, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực hơn nữa để có thể cạnh tranh.
Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề thách thức về thể chế, có quá nhiều cơ quan quản lý chung cũng như các quy chuẩn, vì vậy việc truy xuất nguồn gốc nông sản gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp Việt còn yếu, năng lực để chứng minh về chất lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường, do đó, việc xây dựng các thủ tục minh bạch hơn là điều cấp thiết.
Nông nghiệp Việt cũng gặp phải các thách thức liên quan đến tổ chức và quản lý các nghiệp đoàn nông nghiệp, vấn đề quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp.
"Ngoài ra chúng ta còn 1,7 triệu trẻ em nông thôn tham gia lực lượng lao động nông nghiệp, hay quản lý di cư cũng là những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt", ông Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều rào cản khác ông Sơn cho rằng Việt Nam cần đối mặt và giải quyết là hiện nay, đầu tư cho khoa học công nghệ còn rất ít, dẫn đến năng suất lao động thấp, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng rất lớn.