Trao đổi với PV Báo Lao Động, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Được sử dụng nông nghiệp (NN) sạch là đòi hỏi bức bách của 92 triệu dân chúng ta. Đó là sự đòi hỏi của thị trường quốc tế khi Việt Nam hội nhập. Do đó, sản xuất NN sạch là một nguyên tắc, tôn chỉ để NN Việt Nam tiếp tục phát triển. Và để làm được NN sạch thì gồm rất nhiều vấn đề, trong đó khái quát lại: Phải quản trị, kiểm soát thật tốt yếu tố đầu vào của sản xuất từ vật tư NN, thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn gia súc... ; phải hình thành được chuỗi sản xuất lớn để quản trị những vùng lớn, có DN, HTX làm nòng cốt với những mặt hàng cụ thể, với công nghệ tốt. Mặt khác, để có nền NN sạch chúng ta phải tập trung tuyên truyền và có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nói riêng ở khu vực các mặt hàng này và nói chung trong ngành NN thì vừa qua cả Quốc hội, cả Trung ương, cả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, các DN đều gặp nhau, thống nhất ở một điểm phải tháo những nút thắt. Nút thắt đầu tiên trong sản xuất hàng hóa đó là phải tháo gỡ rào cản về đất đai. Nếu không tháo gỡ được rào cản về đất đai, không có một quy mô tập trung nhất định thì chúng ta không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả theo chuỗi giá trị sâu, bền vững.
Do đó, chúng tôi cho rằng nút thắt này là quan trọng nhất, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho các bộ, ban ngành tập hợp những nội dung cụ thể để trên cơ sở đó những nội dung nào thuộc Thông tư thì các Bộ phải tập trung tháo gỡ, những nội dung nào liên quan đến nghị định Chính phủ thì Chính phủ sẽ trực tiếp tháo gỡ, những vấn đề nào liên quan đến luật thì phải kiến nghị Quốc hội, kiến nghị Trung ương để sửa những điều luật đó để làm sao đất đai tích tụ dưới quy mô lớn, phù hợp với các dạng hình của các ngành hàng, của những đối tượng sản xuất để trên cơ sở đó chúng ta có một nên nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
“Nút thắt” thứ hai là hiện nay nông dân chúng ta hội nhập không thể đơn lẻ, mà phải có sự liên kết trong đó có hai thành tố quyết định gồm DN và HTX, nên phải có những chính sách rõ ràng hơn, ưu đãi hơn để có nhiều hơn DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực NN. Song song, cần có chính sách để hỗ trợ cho kinh tế hợp tác nói chung, trong đó HTX phải phát triển để 13,8 triệu hộ không còn đơn lẻ mà phải tập trung sức mạnh dưới dạng quy mô các HTX liên kết chặt chẽ với DN để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các chuỗi giá trị, góp phần hạ thấp nhất giá thành đầu vào sản xuất phù hợp...
Thứ ba, KHCN sẽ là một trong những giải pháp tiên quyết để quyết định không chỉ câu chuyện giá thành mà nó còn liên quan chất lượng sản phẩm. Do đó, về KHCN chúng ta cũng phải thay đổi, kể cả về chính sách, thể chế và cả hình thức. Tuy nhiên, gần đây Bộ KHCN cùng với Bộ NNPTNT, các bộ ngành đang tập trung vào những vấn đề then chốt, hình thành làm sao thị trường giao dịch về KHCN, chúng ta hình thành cơ chế phối hợp xã hội hóa. Bản thân nhà nước không thể làm hết KHCN được mà phải liên kết, phải có cơ chế để phát huy tối đa các DN và nông dân vào cuộc.
“Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một xu hướng chung của nền NN thế giới, Việt Nam chúng ta phải coi đây là một lợi thế, một cơ hội. Bởi, chúng ta lại có đa dạng tài nguyên sinh học, Việt Nam trải dài trên 15 vĩ độ, ¾ là núi và cao nguyên, do đó hình thành các tiểu vùng khí hậu, hình thành sự đa dạng sinh học với một độ phì tự nhiên của địa chất khoáng sản rất là phong phú. Những điều kiện đó cho phép chúng ta tranh thủ được công nghệ mới tiên tiến để hình thành một nền sản xuất NN mang bản sắc Việt Nam, mang lợi thế tài nguyên và tạo ra những sản phẩm chuyên biệt để chúng ta có lợi thế cạnh tranh”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, muốn thúc đẩy NNCNC thì không thể nào thiếu nguồn lực. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cam kết một gói tín dụng 60.000 tỉ đồng để hỗ trợ thúc đẩy đầu tư sản xuất NNCNC. Để cụ thể hóa được chính sách này, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cùng với một số bộ liên quan, cùng với địa phương phải thể chế hóa và có thể chế hóa cụ thể bằng những quy định, những hình thức, những thể chế làm sao cụ thể hóa, đơn giản nhất, nhanh nhất để nguồn lực này đi vào, giúp các địa phương, DN, HTX, giúp người có điều kiện để tranh thủ CNC nhất đưa vào ứng dụng trong sản xuất NN.
Khuyến khích các DN FDI vào cuộc
Đối với định hướng thu hút vốn FDI vào NN, bộ sẽ ưu tiên tập trung một số lĩnh vực tạo đột phá cho phát triển của ngành mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như: Sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi, trong đó chú trọng giống rau, hoa, ngô, lúa lai; các giống vật nuôi chính như bò, lợn, gia cầm; sản xuất nguyên vật liệu phụ trợ tạo giá trị gia tăng cao. Chế biến sâu nông lâm thủy sản để sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao. Sản xuất thuốc thú y, bảo vệ thực vật sinh học thay thế dần các loại thuốc được sản xuất từ các hóa chất công nghiệp (các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; vắcxin phòng chữa bệnh; thuốc thú y sử dụng công nghệ mới không ảnh hưởng tới môi trường, không tồn dư, không kháng thuốc).
Ngoài ra, hiện nay vấn đề đất đai được cho là “nút thắt” trong thu hút DN đầu tư vào NN, dẫn đến thực trạng là “DN muốn làm nhưng không có đất, DN muốn làm lớn nhưng không có đất đủ rộng”. Trước mắt cần tiếp tục thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất thông qua dồn điền đổi thửa để có được quy mô đất đai lớn hơn. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng và nhân rộng cánh đồng lớn, tạo vùng nguyên liệu tập trung. Trong đó, DN đóng vai trò chủ đạo liên kết với nông dân và HTX xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của thị trường. Về lâu dài, Bộ NNPTNT đang phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa và phát triển nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Việc đầu tư của DN vào lĩnh vực NN trong thời gian qua đã có những thay đổi lớn cả về lượng và chất. Một số DN, tập đoàn lớn phi NN đẩy mạnh đầu tư vào NN như Cty VinEco, Cty CP Him Lam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn FLC, Cty CP Hùng Vương, Cty CP Vĩnh Hoàn, Cty CP Thủy sản Việt Úc… Những đơn vị này đã dầu tư khá bài bản, từ: tập trung đất đai quy mô lớn đến áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, thiết bị công nghệ mới và đã cho những kết quả ban đầu khá tốt. Các DN nông nghiệp lớn đóng vai trò trung tâm phát triển chuỗi giá trị, đi đầu trong tiếp cận ứng dụng công nghệ cao, xác định thị trường, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu như Vinaseed, Giống cây trồng miền Nam, TCT Giống cây trồng Thái Bình (Thái Bình seed), tập đoàn Lộc Trời, Mía đường Lam Sơn… Các DN vừa và nhỏ chiếm đa số (96,5%) là nơi tạo ra công ăn việc làm chủ yếu ở Việt Nam, đặc biệt cho khu vực nông thôn; góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Các DN nước ngoài góp phần chuyển giao công nghệ mới và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, so với tiềm năng và đòi hỏi của ngành NN thì sự đầu tư của các DN như trên rõ ràng là quá ít.
Theo Khánh Vũ/Lao động