Vườn cây ăn trái tại ĐBSCL. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ |
Giảm trực tiếp, tăng gián tiếp
Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ra đời cách đây gần bốn năm nhưng cho tới nay, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn rất thấp, chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Có năm, số doanh nghiệp thành lập mới còn thấp hơn số doanh nghiệp giải thể tới hơn 10%, như năm 2015. Không chỉ ít mà đa phần doanh nghiệp nông nghiệp còn thuộc dạng siêu nhỏ, có quy mô dưới 10 lao động.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiệu quả của Nghị định 210 cho tới nay là rất hạn chế và cần phải sửa đổi nhằm tạo động lực thu hút đầu tư vào nông nghiệp thông qua việc kiến tạo cơ chế chính sách đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp và khả thi.
Tại một buổi họp gần đây về góp ý xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 210, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho hay tư tưởng sửa đổi lần này là tạo ra cơ chế chính sách tốt hơn thay vì đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp.
Theo đó, Nhà nước sẽ bảo hộ cơ chế tự nguyện của doanh nghiệp và người dân trong tích tụ, tập trung đất đai thông qua việc thực hiện vai trò trung gian của chính quyền địa phương trong quá trình đàm phán của doanh nghiệp với người dân.
Dự thảo nghị định sửa đổi cũng quy định doanh nghiệp có dự án nông nghiệp nếu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trong vùng chuyên canh đã được quy hoạch thì sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cho tới nay, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn rất thấp, chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Có năm, số doanh nghiệp thành lập mới còn thấp hơn số doanh nghiệp giải thể tới hơn 10%, như năm 2015. |
Trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, Nhà nước hỗ trợ phần thu nhập từ hoa màu trên đất cho các hộ đã bàn giao đất nhưng doanh nghiệp chưa tổ chức sản xuất được do chưa kết thúc quá trình đàm phán với các hộ dân còn lại.
“Như vậy không hẳn là Nhà nước hỗ trợ bằng tiền để doanh nghiệp đi mua đất của bà con nông dân mà đây là tạo cơ chế để nông dân và doanh nghiệp thấy cùng có lợi, cùng hợp tác để tạo ra quỹ đất lớn hơn cho việc sản xuất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ mới”, ông Tuấn nói.
Về tín dụng, dự thảo nghị định sửa đổi cũng gỡ khó cho doanh nghiệp khi quy định doanh nghiệp có dự án nông nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu được phép sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó để thế chấp ngân hàng vay vốn. Doanh nghiệp được sử dụng chính tài sản hình thành trên đất thuê hoặc đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân (gồm: nhà ở, công trình xây dựng, nhà kính, nhà lưới, rừng trồng, cây lâu năm) làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Đồng thời, dự thảo nghị định sửa đổi còn hỗ trợ về thuế, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng doanh nghiệp, hộ sản xuất…
Còn nhiều vướng mắc
Vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung tại tỉnh Thái Bình và Hà Nam.
Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình, cho biết Thái Bình đang triển khai tích tụ đất đai theo hướng doanh nghiệp thuê đất của nông dân thông qua chính quyền. UBND xã là cơ quan trung gian đàm phán giữa doanh nghiệp và hộ nông dân. “Chúng tôi đã vận động nông dân cho thuê, giá cả dựa trên sự thỏa thuận giữa nông dân và doanh nghiệp. Thời gian thuê đất là 20 năm trở lên”, ông Dụng nói.
Song, hiện nay vẫn còn một vấn đề mà Thái Bình gặp vướng mắc, đó là bà con yêu cầu sau khi doanh nghiệp thuê lại đất, cần cam kết trả lại mặt bằng như hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, những dự án đầu tư quy mô lớn thì phải đầu tư thêm hạ tầng như thủy lợi, kho tàng, nhà máy trên đất thuê, do đó rất khó trả lại được nguyên trạng cho bà con như ban đầu.
Thái Bình đang đề nghị doanh nghiệp đặt cọc một khoản đầu tư hạ tầng để khi dự án kết thúc, chính quyền có một khoản tiền nhằm cải tạo lại mặt đất cho nông dân. Nhưng nếu đặt cọc một lượng tiền lớn như vậy thì hiệu quả đầu tư không cao. “Đây là vấn đề vẫn đang gây tranh cãi ở Thái Bình”, ông Dụng nói.
Cũng liên quan tới đất đai, ông Dương Văn Chín, đại diện tập đoàn Lộc Trời, cho rằng nghị định sửa đổi nên quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ cấp một lần và có giá trị vô thời hạn cho nông dân. Đồng thời, Việt Nam nên học tập Nhật Bản và Hàn Quốc phân công cho cấp tỉnh lập ra cơ quan quản lý và môi giới đất nông nghiệp để xúc tiến việc chuyển nhượng, buôn bán, tích lũy đất đai tại nông thôn.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc PanGroup, cho rằng những hỗ trợ về tài chính như trong dự thảo nghị định sửa đổi chỉ có tác dụng đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, còn với một doanh nghiệp lớn như PanGroup thì Nhà nước có hỗ trợ trực tiếp 3-5 tỉ đồng cũng không có ý nghĩa gì.
Do đó, điều quan trọng là phải tạo ra được môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch; xóa bỏ được cơ chế xin - cho trong bối cảnh thủ tục hành chính phức tạp, mất nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp. Thay mệnh lệnh hành chính bằng cơ chế thị trường.
Về đất đai, theo ông Hải, cần xóa bỏ chính sách hạn điền và Nhà nước phải có chính sách quản lý để doanh nghiệp không sử dụng sai mục đích sau khi tích tụ ruộng đất. Bên cạnh đó, nghị định sửa đổi phải tạo sự liên kết với doanh nghiệp và nông dân. “Doanh nghiệp thiếu nguồn lực về đất và nhân lực; người nông dân thiếu công nghệ và thị trường. Hai bên nếu hợp tác sẽ bổ trợ cho nhau”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, cho biết hiện nay nút thắt của tích tụ ruộng đất nằm ở doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chứ không phải nông dân, bởi nông dân không có điều kiện để tích tụ, tập trung đất đai. Rào cản về pháp lý đã trói doanh nghiệp không được chuyển nhượng đất nông nghiệp. “Do vậy, cần phải cho doanh nghiệp quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gồm cả đất lúa. Và nên xóa bỏ hạn điền, thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định việc thu thuế đất nông nghiệp tăng dần theo quy mô tích tụ ruộng đất”, ông Ngọc nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thực hiện sửa đổi Nghị định 210. Bộ NN&PTNT là cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 210 trong tháng 9 này.
Tác giả bài viết: Thùy Dung
Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn