Câu chuyện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã được đề cập nhiều trên các diễn đàn, hội nghị, nhất là sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cần có gói tín dụng cho nông nghiệp CNC từ 60.000 tỷ đồng lên mức 100.000 tỷ đồng.
Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017 mới đây, các thành viên Chính phủ đã đề cập về định hướng phát triển và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, theo xu hướng nông nghiệp sạch bền vững. Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh đến vấn đề này và yêu cầu các bộ, ngành liên quan có kế hoạch, giải pháp cụ thể.
Ảnh minh họa |
Để tránh việc hiểu chưa đúng bản chất của chương trình nông nghiệp CNC và nguồn vốn tín dụng này, Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng - giải thích: Gói tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ không được ngân sách hỗ trợ như gói tín dụng nhà ở 30 nghìn tỷ đồng, mà sẽ do NHNN chủ trì giao nhiệm vụ cho các NHTM thu xếp, bố trí nguồn vốn cho vay các DN sản xuất nông nghiệp CNC với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%.
Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp CNC, về định hướng lâu dài Chính phủ đưa ra chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng, vốn, đầu tư tín dụng… Đặc biệt, tới đây sẽ sửa một số quy định về tích tụ ruộng đất. Theo đó, thay vì sản xuất manh mún thì sẽ dồn điền đổi thửa sử dụng ruộng đất hiệu quả nhất, đồng thời tái cơ cấu lao động khu vực nông thôn. Nói cách khác là các doanh nghiệp CNC sẽ làm nòng cốt, cùng với đó triển khai các mô hình hợp tác xã, cung cấp công nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị, tạo vùng sản xuất với sản lượng, giá trị, chất lượng theo mong đợi của người dân.
Việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC là hướng đi đúng đắn bởi chúng ta không thể duy trì mãi nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún, thiếu bài bản, chạy theo thị trường; không thể cứ “hài lòng” với chuyện “được mùa, mất giá”, rồi mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ những sản phẩm nông sản vẫn diễn ra từ năm này sang năm khác...
Bên cạnh đó, với 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, nhưng hiện nay nhiều vùng nông thôn đang lâm vào cảnh ruộng đồng bị bỏ hoang do sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa, mang lại thu nhập thấp. Một hộ nông dân ở khu vực huyện Mê Linh, Hà Nội chia sẻ rằng, nếu như trước đây cũng một sào ruộng mà trồng lúa thì mỗi vụ thu hoạch về chỉ lãi xấp xỉ 1 triệu đồng, nhưng từ khi chuyển sang trồng hoa, chưa phải sử dụng đến CNC thì đã cho thu nhập tới hơn 10 lần so với trồng lúa.
Việc tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp CNC được kỳ vọng sẽ thu hút các DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, thay đổi về bản chất tình trạng hiện nay, mà theo số liệu thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn thì lượng DN tham gia vào lĩnh vực này còn hạn chế, chỉ chiếm chưa đến 1%, quy mô DN lại chủ yếu là vừa và nhỏ.
Hiện nay, một số nhà đầu tư thành công đã trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học CNC, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như: CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), CTCP Đường Lam Sơn, Công ty TH True Milk... và mới nhất là dự án VinEco...
Tuy nhiên, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp CNC cũng phải đảm bảo sự hiệu quả lên trên hết. Do đó, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đầu tư nông nghiệp CNC phải trên tinh thần cung cầu, phân công đầu tư phát triển chứ không theo phong trào ồ ạt.
Nhìn ở góc độ nguồn vốn hỗ trợ, theo như TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia: Nói là dành 100.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp CNC, nhưng nên hiểu chỉ đạo của Thủ tướng là định hướng, ngành NH không nhất thiết phải triển khai theo đúng hạn mức như trên. Và các NHTM có cho vay được hay không còn phải trên cơ sở thẩm định dự án của DN. Vì dù là gói tín dụng nào thì đối với các NH vẫn phải lấy chất lượng tín dụng làm đầu. Hơn nữa, đầu tư vào CNC thì vốn sẽ lớn, nên có nhiều DN sẵn sàng tham gia “cuộc chơi” này hay không mới là điều quan trọng.
Theo Chí Kiên/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn