Từ những nỗ lực trên, Hà Nam đã công nhận cho 98 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100%, vượt 49 xã so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra; 04 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; còn 02 huyện Lý Nhân và Bình Lục đang hoàn thiện một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí huyện và phấn đấu hết năm 2019 hoàn thành 9/9 tiêu chí và đề nghị Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019.
Từ thực tế 10 năm thực hiện, Hà Nam cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, thường xuyên cập nhật và thực hiện theo chuẩn mới, thiết thực, phù hợp, phục vụ sự phát triển của khu vực nông thôn; chú trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, nhất là xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm; xây dựng NTM phải đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện nghiêm các nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Huyện Duy Tiên đạt chuẩn NTM
Thời gian tới, các huyện, thành phố phải chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng NTM đến năm 2020 và giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Các sở, ban, ngành cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu được phân công phụ trách, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân công phụ trách tiêu chí cụ thể để tổ chức tuyên truyền vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên của tổ chức mình hưởng ứng và tham gia chương trình xây dựng NTM; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao ý thức tự lực tự cường củng cố khối đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.
Xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Làm sao để nông thôn ngày càng giàu đẹp hơn, hiện đại hơn, đời sống người nông dân càng được nâng cao, giàu mạnh một cách bền vững.