Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội bà Ngô Thị Thanh Hằng đã đánh giá cao những kết quả mà huyện đã đạt được trong những năm qua, từ một huyện có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu và thiếu đồng bộ. Đến nay, huyện Mê Linh đã có 12/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 4 xã còn lại hiện đã đạt từ 16 - 18 tiêu chí. Năm 2018, huyện phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn, hướng tới hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 16/16 xã vào năm 2019.
Huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ước tính nuôi trồng thủy sản đạt khoảng trên 500 triệu đồng/ha/năm, cây ăn quả đạt khoảng trên 350-400 triệu đồng/ha/năm, chăn nuôi đạt 500 triệu đồng/ha/năm.
Đến nay, huyện đã hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung cho giá trị kinh tế cao như: vùng lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô từ 50ha trở lên tại các xã: Tam Đồng, Liên Mạc...; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Tráng Việt 200ha, Tiền Phong 90ha...; vùng sản xuất hoa, cây cảnh quy mô từ 20ha trở lên tại các xã: Mê Linh 190ha, Văn Khê 110ha…; vùng cây ăn quả tập trung quy mô từ 20ha trở lên tại các xã: Chu Phan, Hoàng Kim...; vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản xa khu dân cư tại các xã: Liên Mạc, Tự Lập…
Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Mê Linh, cùng với tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với 18 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có, Mê Linh là địa phương dẫn đầu toàn thành phố trong lĩnh vực này.
Trong xây dựng nông thôn mới huyện đã chú trọng việc đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Huyện có 85 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012, nhìn chung các hợp tác xã sau khi chuyển đổi hoạt động tương đối hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác xây dựng nông thôn mới tại huyện Mê Linh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như năng suất cây trồng, vật nuôi so với mặt bằng chung của thành phố hiện chỉ đạt mức trung bình, huy động nguồn lực xã hội hóa đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới còn khiêm tốn. Các tiêu chí chưa đạt đều cần nguồn lực lớn, trong khi ngân sách địa phương có hạn… Đặc biệt, tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất còn chậm, chưa đáp ứng được nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Mê Linh cần tiếp tục phân công rõ người, rõ trách nhiệm trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực, để các cấp chính quyền và người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân.
Cùng đó, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, thành phố, huy động đa dạng nguồn lực, tập trung nâng cấp hạ tầng nông thôn mới, song song với duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn. Trong việc nâng cấp hạ tầng, cần lưu ý thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch trên cơ sở phát huy lợi thế vị trí địa lý, giao thông, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu địa phương sớm hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, có năng suất cao, bền vững và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần tiếp tục thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nỗ lực duy trì vị thế của địa phương dẫn đầu toàn thành phố trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn