Bình Định, quê hương của vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, của các danh nhân: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân; gắn với tên tuổi của nhiều văn nhân, nghệ sỹ nổi tiếng của cả nước như: Đào Tấn, Hàn Mạc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan... Từng làm Tổng đốc An Tĩnh, Đào Tấn được người Nghệ An - Hà Tĩnh gọi với cái tên thân mật là cụ Đào Tấn. Ông là người đã có công trong việc trùng tu chùa Thiên Tượng năm 1901. Ngày nay, ở thị xã Hồng Lĩnh có con đường mang tên Đào Tấn.
Hà Tĩnh - quê hương của đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, chí sỹ yêu nước Phan Đình Phùng, quê hương của phong trào Xô-viết, của các cố Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, của nhiều nhà văn, nhà thơ lớn như: họa sỹ Nguyễn Phan Chánh, nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu... Hà Tĩnh có dân ca ví, giặm, sắc bùa, có hát ca trù nổi tiếng; Bình Định có truyền thống thượng võ, nghệ thuật bài chòi, hát bội, nhạc võ Tây Sơn được mọi miền biết đến.
Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn (Bình Định) luôn thu hút du khách thập phương, đặc biệt là các bạn trẻ đến tham quan, học tập. |
Sự tương đồng về lịch sử, địa lý, văn hóa đã tạo nên những con người có cốt cách giống nhau. Đó là tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng quật cường, cần cù lao động, chịu thương, chịu khó, dám xông pha can trường, sống ân nghĩa, thủy chung. Hai vùng đất và con người hai tỉnh có mối lương duyên và trở thành quan hệ gắn bó bền chặt như câu thơ của nhà thơ Duy Thảo trong bài Mừng chiến thắng trời quê: Bình Định ruột rà thương nhớ khôn nguôi.
Hà Tĩnh và Bình Định đã có những mối quan hệ gắn bó từ rất sớm trong lịch sử. Còn nhớ, khi vua Quang Trung trên đường hành quân ra Bắc đại phá quân Thanh đã dừng lại ở phía Bắc huyện Kỳ Anh để bổ sung quân lương và voi trận. Và, trong đoàn quân áo đỏ tiến ra giải phóng thành Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789 để làm nên khúc khải hoàn ca có bóng dáng của nhiều dũng tướng là người con Hà Tĩnh như: Hồ Phi Chấn, Dương Văn Tào, Đặng Quốc Đống… La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804) - người Hà Tĩnh, được vua Quang Trung cử làm Viện trưởng Viện Sùng Chính để truyền bá việc học và dịch sách kinh điển Nho giáo ra quốc âm. Ông còn giúp vua Quang Trung tìm đất xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô (thành phố Vinh ngày nay).
Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1984) quê cha ở Trảo Nha (thị trấn Nghèn, Can Lộc), quê mẹ ở xã Tùng Giản (Tuy Phước - Bình Định), lớn lên học ở thành phố Quy Nhơn đã viết trong bài thơ: Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong: Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong…/ Hai phía Đèo Ngang: một mối tơ hồng.../ Tiếng Đàng Trong, tiếng Đàng Ngoài quấn quýt/ Vào giữa mái tranh, giường chõng, cột nhà...
Nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ, quê ở Bình Định tập kết ra Hà Tĩnh đã viết kịch thơ nổi tiếng Đốm lửa núi Hồng, sau này trở về sống tại Bình Định. Ông Nguyễn Tiến Chương - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, quê ngoại cũng ở Bình Định. Đại đội pháo Bình Hà được thành lập chủ yếu là con em của 2 tỉnh Hà Tĩnh và Bình Định đã lập công xuất sắc trong trận đầu thắng Mỹ - trận 26/3 ở núi Nài cùng nhiều chiến công khác. Đại đội trưởng Nguyễn Đức Mai, quê Bình Định đã sống và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất quê hương thứ hai là Hà Tĩnh. Trong các cuộc kháng chiến, nhiều cán bộ, chiến sỹ là người con của Bình Định tập kết ra Hà Tĩnh và tiếp tục đóng góp cho vùng đất này. Hàng ngàn con em Hà Tĩnh đã vào Bình Định chiến đấu và lập công lớn trên các chiến trường...
Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, những năm 1960, Hà Tĩnh đã phát động các phong trào thi đua; 8 huyện của Hà Tĩnh đều kết nghĩa với 8 huyện của Bình Định. Cái tên Bồng Sơn đã được đưa vào tên phố ở thành phố Hà Tĩnh và tên gọi của một số tổ chức hợp tác xã trước đây. Ngoài những chiến dịch lớn, những công trình mang tên một số huyện của tỉnh Bình Định, ngày đó, khi có một tin chiến thắng ở địa phương nào đó của tỉnh Bình Định thì Hà Tĩnh lại phát động một phong trào thi đua lập công để hướng về tỉnh anh em. Sau này, cái tên Bình - Hà đã trở nên gần gũi, thân thương với các thế hệ người Hà Tĩnh. Cả một thế hệ người Hà Tĩnh vẫn còn in đậm kỷ niệm về những năm tháng hào hùng thi đua lập công hướng về Bình Định thân thương. Không ít người con thân yêu của Hà Tĩnh từng xông pha trên các chiến trường Bình Định và có những người đã mãi mãi nằm lại trên vùng đất này.
Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân). Ảnh: Nam Giang |
Sau ngày hòa bình thống nhất, nhiều huyện, thị của Hà Tĩnh vẫn tiếp tục có mối quan hệ gắn bó với các huyện của tỉnh Bình Định. Hiện nay, Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại Bình Định đã được thành lập. Ở Bình Định, nhiều người con Hà Tĩnh đang giữ các cương vị cao trong các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang, nhiều người là văn nghệ sỹ, là cán bộ nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Quy Nhơn, là giám đốc nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.
Dải đất hai tỉnh Hà Tĩnh và Bình Định đang từng ngày đổi thay. Lãnh đạo hai tỉnh thường xuyên có các cuộc tiếp xúc, trao đổi, học tập kinh nghiệm trên các lĩnh vực, nhất là trong phát triển kinh tế. Mỗi khi gặp thiên tai, hoạn nạn, lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh đều có mặt kịp thời để động viên, chia sẻ, giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, đời sống. Những năm qua, nội bộ hai tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất cao. Đội ngũ cán bộ tâm huyết, năng động, sáng tạo và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành. Nhờ vậy, cả hai tỉnh đã giành được nhiều thành tựu nổi bật. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Đặc biệt, TP Hà Tĩnh, TP Quy Nhơn đều nằm trên trục đường thiên lý Bắc Nam, cửa ngõ đến với các tỉnh, các nước trong khu vực, hai địa phương đang trỗi dậy với nhiều chương trình, dự án đầu tư lớn của quốc gia trên địa bàn. Hai tỉnh đang tiếp tục đầu tư cho phát triển văn hóa, xã hội, quan tâm phát triển giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng của quê hương.
Kỷ niệm 55 năm kết nghĩa hai tỉnh Hà Tĩnh và Bình Định và tưởng nhớ hàng ngàn cựu chiến binh từng xông pha trên các chiến trường Bình Định là sự kiện có ý nghĩa quan trọng cổ vũ, động viên các thế hệ hôm nay tiếp tục đoàn kết, phấn đấu xây dựng 2 tỉnh giàu đẹp, văn minh.
Truyền thống lịch sử văn hóa, mối quan hệ ruột rà, thủy chung suốt 55 năm qua, đặc biệt những người con trung hiếu của hai vùng đất đã xả thân vì sự nghiệp lớn của dân tộc là tài sản vô cùng quý giá. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai tỉnh Hà Tĩnh và Bình Định gắn bó, đoàn kết; thường xuyên giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện về phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN... Lịch sử không dừng lại, lịch sử đang ghi tiếp những thành quả mới trong mối quan hệ tốt đẹp, đặc biệt giữa Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang hai tỉnh Hà Tĩnh – Bình Định hôm nay và mai sau.
Phan Trung Thành
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn