Mục tiêu của mô hình là giúp người dân nắm vững quy trình kỹ thuật trồng cam, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển cây cam theo hướng hình thành được các vùng sản xuất cam an toàn quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước đưa nghề sản xuất cam tại các vùng quy hoạch trở thành nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp.
Tham gia mô hình, các hộ nông dân được hỗ trợ 100% giống cam chanh, 50% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong 2 năm, 75% chi phí thiết bị lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, phần còn lại do hộ dân thực hiện mô hình đối ứng.
Điểm mới của quy trình kỹ thuật mà mô hình chuyển giao cho các hộ dân là sử dụng giống cây cam chanh bầu to để trồng; trước khi trồng đắp mô lớn, cao; bón lót phân hữu cơ và phân vi sinh; khi cây phát triển ổn định, cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn tỉa cành tạo tán để cây không vươn cao, dễ chăm sóc và quản lý sâu bệnh; thường xuyên quản lý côn trùng trong vườn cam. Mặt khác, thay vì bón phân hóa học, cán bộ khuyến nông hướng dẫn các hộ dân sử dụng phân sinh học AH Thanh Hà, phun định kỳ cho cây và ghi nhật ký đầy đủ trong việc trồng, chăm sóc vườn cam của mình.
Ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào trang trại rộng trên 4 ha, tại thôn 7, xã Thường Nga, huyện Can Lộc của anh Lê Vạn Hải là một màu xanh mướt của trên 4.000 cây cam chanh đang trong thời kỳ phát triển. Anh cho biết: “Theo cách trồng truyền thống, chúng tôi thường sử dụng chủ yếu phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên ảnh hưởng rất lớn đến người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường. Trong khi với mô hình này, chúng tôi giảm đến mức tối đa phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thay vào đó là tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học nên sản phẩm tạo ra sạch hơn, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái”.
Do giống cam khi trồng được sử dụng giống bầu to, đảm bảo chất lượng nên cây cam sinh trưởng phát triển rất tốt, sau hơn một năm, cây đã bắt đầu cho quả bói. Anh Nguyễn Văn Chiến - hộ tham gia mô hình tại xã Nam Hương, huyện Thạch Hà cho biết: Nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, từ việc sử dụng giống, bón phân đến các biện pháp chăm sóc hàng ngày, đặc biệt là áp dụng triệt để quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp… nên cây cam sinh trưởng phát triển tốt, sau hơn 1 năm cây đã đạt chiều cao 1,3m, đường kính gốc đạt 2 – 2,5cm và đặc biệt đã bắt đầu cho lứa quả bói đầu tiên. Bên cạnh đó, việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cam còn giúp tiết kiệm nước tưới 60% so với phương pháp tưới truyền thống. Đồng thời còn tiết kiệm được thời gian, công lao động, hạn chế rửa trôi, xói mòn đất và ô nhiễm môi trường; khắc phục được tình trạng hạn hán và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng tốt.
Với việc áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tạo nên vùng sản xuất sạch. Mặt khác, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguồn nước đang ngày càng cạn kiệt thì việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào sản xuất giúp tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm điện, hạn chế rửa trôi bề mặt đất. Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình đang từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người nông dân, là giải pháp phát triển bền vững, an toàn cho cây cam chanh Hà Tĩnh. Mô hình thành công sẽ là điểm tham quan học tập cho các hộ dân khác trong vùng, tạo tiền đề cho sản xuất theo hướng hữu cơ trong thời gian tới.
Đặng Thị Thuận - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn