Anh chị đến với nhau khi công việc của cả hai chưa ổn định, vì thế sau khi về chung một nhà, cuộc sống đã gặp không ít khó khăn. Mặc dù cầm tấm bằng đại học trong tay nhưng cả hai đều chưa tìm thấy được công việc phù hợp. Lúc đó, do tính chất công việc, anh lại phải thường xuyên xa nhà. Rồi đứa con đầu lòng ra đời, cuộc sống lại vất vả hơn. Sau bao trăn trở, 2 vợ chồng đã bàn bạc và quyết tâm xây dựng mô hình làm miến gạo tại địa phương.
Năm 2016, sau khi tìm hiểu về các ngành nghề có thể phát triển tại địa phương, anh chị nhận thấy nghề làm miến gạo cũng không quá khó. Miến gạo vừa dễ ăn lại vừa có thể chế biến thành nhiều món và để được lâu. Vả lại, nguyên liệu để làm miến chính từ những hạt gạo quê. Mặt khác, trên địa bàn huyện Kỳ Anh cũng chưa có cơ sở nào làm miến cả nên đầu ra còn khá thuận lợi.
Nghĩ là thế, nhưng khi bắt tay vào làm, anh chị đã gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc tìm hiểu tài liệu qua phương tiện thông tin đại chúng, anh chị phải góp nhặt cách làm miến thực tế từ nhiều cơ sở sản xuất những nơi khác nữa. Ban đầu, vốn chưa có nhiều, anh chị chỉ sản xuất số lượng ít, từ 30 - 40 kg/ngày, sản phẩm làm ra chỉ mới cung cấp cho bạn bè, người thân và người dân quanh vùng.
Chị Phương tâm sự: “Lúc mới bước vào nghề, kinh nghiệm chưa có, nguồn vốn còn hạn hẹp; đây lại là nghề truyền thống, lỡ làm sai thì bỏ chứ hỏi cũng chẳng biết hỏi ai. Sau nhiều lần sai mới rút ra được kinh nghiệm để tiếp tục làm, vừa làm vừa hoàn thiện quy trình nên sản phẩm lúc đó làm ra còn ít. Tuy nhiên, khi đã quyết tâm làm nên hai vợ chồng tôi luôn động viên nhau kiên trì để tiếp tục bám trụ”.
Khi công việc sản xuất miến chỉ mới chớm có hướng phát triển thì chị mang bầu đứa con thứ 2, sức khỏe của chị không đảm bảo, chỉ một mình chồng chị lúc đó cũng khó để cáng đáng nổi. Với lại, cơ sở vật chất lúc đó còn thiếu thốn nhiều thứ nên chị đã đành lòng tạm gác lại.
Gần 2 năm trôi qua, anh chị vẫn luôn nung nấu trong lòng là nhất định phải bắt đầu lại. Thế rồi khi con cái lớn hơn, đỡ bận bịu hơn, anh chị đã không từ bỏ mà quyết tâm gây dựng lại sự nghiệp từ nghề làm miến gạo này. Lần này, ngoài các thành viên trong gia đình cùng làm thì vợ chồng chị đã thuê thêm 3 nhân công lao động, xưởng sản xuất cũng được mở rộng hơn, mỗi ngày sản xuất được từ 1,5 - 2 tạ miến. Với giá bán 20.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, anh chị có thu nhập từ 800.000 – 1 triệu đồng/ngày.
Chị Lê Thị Hà Phương bên những dàn miến của gia đình
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo niềm tin cho khách hàng, chị Phương luôn đặt chất lượng của sản phẩm lên hàng đầu và tăng cường việc quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau từ bán hàng qua mạng đến nhờ bạn bè, người thân giới thiệu khắp nơi. Với phương châm sản xuất “Uy tín mới lâu dài” nên sản phẩm miến gạo anh chị làm ra luôn đảm bảo sạch, không chất phụ gia, không chất bảo quản.
“Mỗi mẻ miến phải làm từ hôm nay tới hôm sau mới có sản phẩm để phơi. Gạo để làm miến cũng phải lựa chọn cẩn thận. Theo kinh nghiệm của tôi thì gạo được sản xuất từ vụ xuân sẽ cho ra những sợi miến ngon hơn. Khi gạo được xay thành bột, cho vào máy cán thành sợi, rồi ủ qua một đêm để miến dai ngon, khi nấu không bị nát. Miến sau khi cắt sẽ được phơi tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời ở dàn cao nên tránh bị bụi bẩn bám vào, sau đó đóng gói cẩn thận và đưa đi tiêu thụ nên khách hàng rất yên tâm sử dụng, không sợ miến để lâu bị hư hỏng” - Chị Phương chia sẻ.
Hiện nay, cơ sở sản xuất miến gạo của vợ chồng chị Phương anh Lương đã được nhiều người biết đến. Khách hàng đến tận nơi để tham quan và mua sản phẩm. Những ngày này, thời tiết nắng ráo là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất miến của đôi vợ chồng trẻ. Các mẻ miến cứ lần lượt ra đời, công suất làm cũng việc tăng lên đã làm anh chị thêm tự tin, phấn chấn để tiếp tục phát triển ngành nghề mà mình đã gây dựng.
Phải nói rằng, với lòng quyết tâm và sự kiên trì bền bỉ của đôi vợ chồng trẻ đã góp phần hình thành một ngành nghề kinh tế mới mẻ tại địa phương. Thời gian tới, vợ chồng chị Phương có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiến tới sản xuất các loại miến cao cấp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Cơ sở sản xuất miến của gia đình chị rất mong được các cấp, hội và chính quyền tạo điều kiện về vốn ưu đãi để có thể mở rộng quy mô, đầu tư nhà xưởng, máy sấy, nhằm chủ động trong việc sản xuất góp phần phát triển kinh tế các ngành nghề vùng nông thôn./.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh/ Khuyến nông VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn