Lập gia đình, được cha mẹ cho ra ở riêng trong một túp lều tranh 1 gian, một đầu nấu nướng, một đầu ngủ và sinh hoạt. Cuộc sống nghèo khổ đã nhen nhóm và nung nấu ý chí thoát nghèo trong vợ chồng chị Loan. Năm 1994, anh chị quyết định thuê lại mảnh đất bỏ hoang của Hợp tác xã chăn nuôi bò, để bắt đầu xây dựng kinh tế.
“Lúc đó, vùng đất của gia đình chỉ là đồi núi hoang sơ, đường đi khó khăn, nhìn ra chỉ thấy cây dại và cỏ mọc um tùm. Ngày này qua tháng khác, dưới ánh mặt trời và cả ánh trăng, thậm chí là ánh đèn dầu, anh chị cần mẫn đào từng gốc cây, cải tạo lại từng mét vuông đất. Mất gần 2 năm công tác cải tạo, phá bỏ vườn tạp mới cơ bản xong” – Chị Loan nhớ lại.
Cải tạo được mảnh đất nào, anh chị trồng ngô và thả bò, nuôi gà… diện tích nhỏ nên quanh năm không đủ ăn. Cuộc sống của gia đình chị vô cùng khó khăn, chật vật khi các con lần lượt ra đời. Năm 2008, anh chị đã quyết tâm mua 100 gốc cam từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) về trồng với mong ước khi cây có quả sẽ có thêm thu nhập cho các con bớt khổ. Cần mẫn, chịu khó mà vẫn công cốc, cây cam cứ chết dần, không có kiến thức lẫn kinh nghiệm nên anh chị không biết nguyên nhân gì. Hai năm sau, khi đã thấm mùi thất bại, không nản chí, anh chị bắt đầu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những nhà trồng cam giỏi của làng, của tỉnh rồi mạnh dạn đề xuất với chính quyền để được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, khi đã có cơ sở hơn, anh chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, mua 200 gốc cam về trồng. Đến nay, trang trại của chị đã có 2.000 gốc cam. Mỗi năm, gia đình chị thu hoạch 30 - 50 tấn cam với giá bán 35.000 đồng/kg.
Chị Loan chia sẻ: “Cam là cây cực kỳ khó tính, nếu không có kiến thức và kinh nghiệm thì không thể thành công. Tuy nhiên, giống cây khá phù hợp với đất đồi, đất sỏi nơi đây. Cái khó là trồng thế nào để cây cho năng suất cao, chất lượng tốt và thu hoạch được lâu dài. Vì vậy, gia đình chị đã áp dụng quy trình VietGAP và thực hiện trồng, chăm bón, thu hái đúng quy trình kỹ thuật. Để hướng tới sản phẩm sạch, hiện nay các loại phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh được sử dụng rộng rãi, các phương pháp phòng trừ sâu hại bằng bẫy bả và các dung dịch hữu cơ tự pha chế từ tỏi, gừng, rượu, ớt cay…được sử dụng đại trà. Để cây cam được bền, đậu quả nhiều thì cần rải rơm rạ hoặc ủ trấu dưới gốc cùng với phân chuồng ủ hoai vào đúng thời điểm để cây có đủ dinh dưỡng phát triển tốt”. Nhờ chăm bón theo đúng quy trình nên cây nào cây nấy sinh trưởng tốt và cho quả sai cành.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, bên cạnh tăng cường áp dụng các biện pháp thâm canh, đồng thời tích cực xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm bằng việc tham gia các hội chợ, mở kênh quảng cáo bằng zalo, facebook… Ngoài ra, để tận dụng diện tích có sẵn và đa dạng các loại cây trồng, tăng thu nhập cho gia đình, chị Loan còn tìm hiểu và trồng thêm gần 300 gốc cây ăn quả khác, đào 1ha ao thả cá và nuôi hàng trăm con gia cầm các loại. Trang trại trù phú gần 5 ha, mỗi năm mang lại cho gia đình chị doanh thu trên 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức thu nhập 250.000 đồng/ngày.
Thành quả hôm nay là kết tinh của mồ hôi, công sức, ý chí quyết tâm và khối óc trong lao động, sáng tạo của hai vợ chồng chị. Gia đình chị trở thành một trong những hộ làm kinh tế vườn đồi tiêu biểu nhất của xã Thượng Lộc với vinh dự nhiều lần được nhận bằng khen của huyện, của tỉnh. Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, anh Nguyễn Xuân Diệu khẳng định: “Chính sự chăm chỉ và kiên trì cùng khát khao làm giàu đã đem đến cho gia đình chị thành quả như ngày hôm nay. Anh chị là tấm gương sáng, góp phần lan tỏa và khuyến khích các mô hình kinh tế của địa phương.”
Kim Thịnh - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn