Vì sao các nhà báo... dỏm có đất sống?
Hơn nữa, do biết thóp một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm ăn “lách luật”, có một số biểu hiện khuất tất nên các “nhà báo” này tha hồ bới lá tìm sâu, tìm ra cho bằng được những sai phạm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm mục đích trục lợi. Nếu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào biết ý, bồi dưỡng cho cái phong bì “xăng xe” thì bỏ qua; còn không thì sẽ cho lên mặt báo.
Mặt khác, do tâm lý chung của nhiều người là không muốn “dây dưa” vào báo chí làm gì cho “rách việc“ nên các nhà báo…dỏm được thế hoạt động mạnh. Cộng với việc cấp giấy giới thiệu tùy tiện của một số Văn phòng đại diện, PV thường trú nên các nhà báo… dỏm có đất để tồn tại và tồn tại khỏe re nữa là khác.
“Tự sướng” như vua, “chém gió” như thánh
Người viết bài này cũng là một CTV của báo chí, cũng đã có nhiều bài báo đăng ở báo địa phương và các báo trung ương. Người khác đam mê thể thao, tửu sắc hoặc cờ bạc thì thú tiêu khiển và đam mê của tôi là làm báo và viết blog. Viết ra điều này không phải để nói mình sạch sẽ và lên án đồng nghiệp nhưng thiết nghĩ, trên các diễn đàn dư luận xã hội cần công bằng và cần tôn trọng sự thật. Nhà báo, PV hay các các CTV sai phạm cũng giống như những người khác sai phạm, nếu nghiêm trọng và gây hậu quả lớn cho xã hội thì cần lên án như nhau để làm tấm gương cho mọi người biết răn mình, giữ mình và biết thượng tôn pháp luật.
Do là cộng tác cho một vài tờ báo nên tôi có dịp ngồi với nhiều anh em cộng tác viên thì một số người trong số họ luôn “tự sướng”, ảo tưởng quá lớn về quyền lực của báo chí. Họ mở miệng ra là thường nói: “ta đánh doanh nghiệp này, đập chủ tịch xã kia một phát”; rồi thì “tau vừa tha cho thằng CSGT này, bỏ qua cho thằng hải quan , kiểm lâm nọ”… Toàn những lời nói “có cánh”, nghe qua rất hấp dẫn, tưởng như ông này là nhà báo thật và có quyền sinh, quyền sát trong tay không bằng.
Chưa hết, mấy ông “nhà báo” kiểu này còn “chém gió” kinh khủng. Ngồi đâu cũng bảo vừa đi nhậu với giám đốc này; quen biết chủ tịch huyện, có khi là giám đốc sở nọ. Người ngoài cuộc không biết nghe được, tưởng rằng mấy ông này có “máu mặt” thật, quan hệ xã hội rộng thật, mai kia chắc mình có thể nhờ vả được khối việc lúc gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống.
Hệ lụy của các nhà báo... dỏm
Không những một số doanh nghiệp “non gan”, sợ báo chí sờ đến nên các nhà báo dỏm có cửa để nắm lấy linh hồn mà đến ngay cả chính quyền cũng ngại đụng đến báo chí thì phải nói là loạn các CTV, nhà báo dỏm đến nơi rồi.
Có thể nói là, hiện nay ở Hà Tĩnh, huyện nào cũng có CTV cho báo chí, có huyện đến cả chục người. Tôi hay nói đùa với anh em báo chí rằng, một mảnh đất hẹp “chó nằm lòi đuôi” như Hà Tĩnh mà có cả trăm nhà báo chính thống và cũng hơn chừng ấy CTV nữa thì loạn nhà báo đến nơi rồi.
Bất cứ ở đâu có hội họp, tổng kết, sơ kết là y như rằng có nhà báo đến. Rồi thì chính quyền một xã nào đó có sai phạm, mắc khuyết điểm gì mà chưa giải quyết kịp, thì đã có các nhà báo chuyên và không chuyên mò đến đó rồi, nhanh hơn cả điện. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chẳng may lỡ ra có sai phạm là y như rằng mất ăn mất ngủ vì Báo chí.
Đỉnh điểm nhất có lẽ là vụ P.V.Q và một số đối tượng khác đã điện thoại gây nhũng nhiễu cho chính quyền xã Sơn Lĩnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Hết hạn hợp đồng dạy tại Trung tâm GDTX H.S (Hà Tĩnh), Q. trú tại xã S.L, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), không biết bằng cách nào đã có được Giấy giới thiệu phóng viên của một tờ báo trung ương thường trú tại Nghệ An. Q. đi tác nghiệp nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh. Đặc biệt là, thường đến hàng loạt các xã trong địa bàn huyện Hương Sơn để tác nghiệp...
Điều lấy làm lạ là, hầu hết nạn nhân của Q. là các “quan” đầu xã chứ đâu phải chuyện đùa. Thế mà, các quan sợ run như cầy sấy. Cho đến khi cơ quan công an triệu tập, lấy lời khai của Q. thì chính quyền các xã lúc này mới tỉnh ngộ.
Như vậy, đã đến lúc cơ quan quản lý báo chí trên địa bàn là Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh cần phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương siết chặt sự hoạt động các cộng tác viên của mình. Được biết, vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh đã có công văn gửi các báo đề nghị lập và gửi danh sách các PV, CTV thường trú trên địa bàn. Hy vọng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì hoạt động báo chí ở tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là với đội ngũ CTV sẽ bớt “loạn” hơn.
LÊ QUỐC CHÂU (Khối 3-Thị trấn Vũ Quang-huyện Vũ Quang-Hà Tĩnh).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn