Một trong những tác động của BĐKH là tình trạng ngập lụt ở các vùng ven biển, vùng đất thấp, xói lở bờ biển do nước biển dâng sẽ làm mất nơi ở và đất sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá, huyện Nghi Xuân sẽ có khoảng 75-80% diện tích canh tác bị ngập nếu mực nước biển dâng tới 100 cm; một số khu vực ven biển như Lộc Hà, thôn Hải Phong (Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) đã xuất hiện hiện tượng xói lở mạnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và môi trường tự nhiên. Chính vì vậy, bão lũ và nước biển dâng ở vùng ven biển Hà Tĩnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do BĐKH.
Hiện tượng xâm nhập mặn gia tăng khiến các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, nhất là rừng ngập mặn, môi trường sống của thủy, hải sản - bức tường chắn sóng và giảm tác động của sóng, bão, nguồn sống hàng ngày của cộng đồng địa phương bị thu hẹp nhanh chóng. Đến nay, nước mặn đã lấn sâu vào các con sông hơn 10 km và biển cao hơn từ 10-20 cm khiến sự xâm mặn ngày càng mở rộng.
Biến đổi khí hậu với những diễn biến phức tạp đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến nhiều địa phương tại Hà Tĩnh |
100% giếng khơi mới đào 2 năm gần đây ở Hộ Độ (Lộc Hà) bị nhiễm mặn không thể sử dụng. Tại cống Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) đã từng xảy ra tình trạng mất mùa vụ hè thu do không đủ nước ngọt tưới tiêu. Các đầm tôm thời gian qua cũng bị suy giảm năng suất rõ rệt do điều kiện môi trường thủy vực thay đổi và mưa bão thất thường.
Cơ sở hạ tầng, nhất là các cảng, khu du lịch biển, giao thông sẽ bị tác động mạnh, thậm chí, phải cải tạo, nâng cấp hoặc di dời. Theo tính toán, khu vực mực nước biển dâng cao, mưa bão lớn với triều cường mạnh có thể gây ngập tới 14 km2 diện tích đất ven biển toàn tỉnh; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình giao thông. Để ứng phó với tác động từ BĐKH, trong một số quy hoạch về du lịch biển đã chủ động lùi các công trình du lịch và cơ sở vật chất vào sâu trong đất liền khoảng 300m để giảm thiểu thiệt hại.
Những diễn biến bất thường của BĐKH cũng đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, công trình của cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương. Tình trạng nắng nóng kéo dài làm giảm chất lượng công trình xây dựng, chậm tiến độ dự án, ảnh hưởng tới sức khỏe công nhân và thiếu nước sinh hoạt.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước Phạm Hữu Tình, dưới những tác động ngày càng rõ nét của BĐKH, cần thiết phải có kế hoạch ứng phó để đảm bảo an toàn các công trình cảng, giao thông… phục vụ hiệu quả phát triển KT-XH.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm nhằm ứng phó với BĐKH là rà soát quy hoạch vùng miền; định hướng quy hoạch dân cư ở những vùng thấp trũng, di dời lên vị trí cao hơn; làm tốt hơn nữa công tác cảnh báo, dự báo; xây dựng thêm các trạm thủy văn đầu nguồn; đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận biết và có kế hoạch ứng phó kịp thời với BĐKH. Bên cạnh đó, làm tốt công tác trồng rừng nhằm tăng độ che phủ; tăng cường năng lực phòng chống bão lũ, giảm thiểu thiệt hại nếu tình huống xảy ra.
Theo Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn