Nấm đông trùng hạ thảo của anh Trần Hậu Khanh đến nay đã cho quả thể, phát triển tốt. |
Theo nhiều tài liệu, đông trùng hạ thảo tự nhiên chỉ mọc ở vùng núi cao hơn mặt biển từ 4.000-5.000m như dãy Himalaya, Tây Tạng… Đông trùng hạ thảo được đánh giá có giá trị dược liệu cao, giá bán tại Trung Quốc khoảng 1,2-2 tỷ đồng/kg (nấm tự nhiên). Một số nước, trong đó, có Việt Nam đã nuôi cấy nhân tạo thành công nấm đông trùng hạ thảo, tuy nhiên, chất lượng chưa thể bằng nấm tự nhiên.
Năm 2013, khi được điều chuyển công tác về Trung tâm Nấm ăn và Nấm dược liệu Hà Tĩnh (thị trấn Thạch Hà), anh Trần Hậu Khanh được tiếp xúc với nấm đông trùng hạ thảo qua một số dự án trong nước và bắt đầu tìm hiểu, mong muốn nghiên cứu, trồng đại trà loại nấm này ở Hà Tĩnh. Sau hơn 1 năm tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu, trong đó, phần lớn là các tài liệu nước ngoài, anh Khanh mới bắt tay trồng thử nghiệm đông trùng hạ thảo.
Anh Khanh chia sẻ, việc này được lãnh đạo trung tâm cũng như Sở KH&CN nhiệt tình ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết… Vì không thuộc dự án nghiên cứu nào nên khi thực hiện, anh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh tế, các loại giống, khoáng chất, thành phần dinh dưỡng… đều phải tự bỏ tiền túi để đầu tư.
Đông trùng hạ thảo được đưa vào chai dịch (môi trường tăng sinh) để nhân giống bằng phương pháp sục khí ôxi. |
“Nấm đông trùng hạ thảo có giá trị kinh tế cao, khoảng 100 triệu đồng/kg nấm khô (nấm nhân tạo) nên việc mua giống cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, có 2 giống nấm giống hệt nhau, nhưng giá cả chênh lệch đến 10 lần, tuy nhiên, khi thắc mắc tại sao có sự chênh lệch thì người bán không nói, cho nên việc đầu tư này khá mạo hiểm” - anh Khanh cho hay.
Anh thực hiện công việc trong bí mật vì sợ gia đình phản đối, đến nay, việc nuôi đông trùng hạ thảo đã có thể gọi là thành công nhưng gia đình anh vẫn chưa hề biết công việc này.
Trong quá trình tìm hiểu, anh Khanh phác thảo 25 công thức nuôi cấy khác nhau. Theo anh Khanh, để nấm đông trùng phát triển được, cần 2 yếu tố quan trọng là thành phần dinh dưỡng và các yếu tố tác động như sinh thái, thời tiết, nhiệt độ, ánh sáng. Hai lần thử nghiệm đầu tiên hoàn toàn thất bại, đến lần thứ 3 mới có dấu hiệu ăn trắng vào môi trường sống, tuy nhiên, nấm vẫn không phát triển.
Sau mỗi lần thất bại, anh đã tìm hiểu, điều chỉnh môi trường sống cũng như thành phần dinh dưỡng, khoáng chất, đến nay, nấm đông trùng hạ thảo đã cho quả thể, nhưng thành phần trong nấm quả thể cũng như giá trị dược liệu đang chờ đánh giá của Trung tâm Kiểm nghiệm Viện Thực phẩm chức năng (Hà Nội).
Nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo chỉ sau 3 tháng đã có thể cho thu hoạch. Hiện, anh Khanh vẫn tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn, tổng hợp các công thức khả quan để tìm ra những công thức mới phù hợp và nấm thành phẩm có chất lượng hơn, đăng ký sở hữu trí tuệ. Sau đó, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị có nhu cầu, xây dựng dự án mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Theo Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn