Để nâng cao giá trị canh tác, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhiều địa phương ở khu vực miền núi đã đưa những loại cây trồng mới, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương đã gặp không ít khó khăn.
Những ngày cuối năm, có dịp về huyện miền núi Cẩm Thủy, chúng tôi không thể rời mắt trước khung cảnh sơn thủy hữu tình. Một bên là dòng sông Mã, một bên là những ngọn núi trầm mặc và cánh đồng mênh mông mướt màu xanh của mía, ngô, cây ăn quả - kết quả của tinh thần dám nghĩ, dám làm của chính quyền và nhân dân nơi đây trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển kinh tế. Với tổng diện tích canh tác trên 19.000 ha, trong đó có ba loại đất cơ bản: Đất trồng lúa, đất bãi ven sông và đất ven đồi, những năm qua, huyện Cẩm Thủy đã lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với từng loại đất để đưa vào sản xuất. Cơ cấu cây trồng của huyện chuyển dịch theo hướng tăng diện tích các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng truyền thống. Địa phương đã chuyển được hơn 538 ha đất 1 vụ lúa sang trồng mía nguyên liệu, mía tím, cỏ làm thức ăn chăn nuôi...; đồng thời, chuyển 300 ha đất 2 vụ lúa hiệu quả kinh tế thấp, đất bãi ven sông sang trồng rau màu, ớt... cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm...
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, song theo đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy: Trình độ canh tác của người dân trên địa bàn còn hạn chế nên khó khăn trong việc lựa chọn đối tượng cây trồng để chuyển đổi. Chính vì vậy, huyện, xã phải có định hướng và lựa chọn cây trồng cụ thể đưa vào sản xuất thí điểm để người dân thấy hiệu quả kinh tế và nhân rộng trên địa bàn. Thêm vào đó, việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang tư duy sản xuất hàng hóa và có sự kết nối với thị trường tiêu thụ chính là một “nút thắt” đòi hỏi sự sáng tạo của chính quyền và nhân dân huyện Cẩm Thủy. Được biết, sau khi lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp với từng chất đất, giá trị kinh tế trên cùng diện tích canh tác ở huyện Cẩm Thủy đã tăng 1,5 đến 2 lần so với canh tác các loại cây trồng truyền thống.
Năm 2017, xã Ngọc Phụng (huyện Thường Xuân) đã chuyển đổi được trên 30 ha đất trồng lúa, mía kém hiệu quả sang trồng cây có múi cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, xã đã cho Công ty CP Hạ tầng cảnh quan Hoàng Gia thuê 8 ha đất sản xuất của 2 thôn Xuân Liên và Phú Vinh để trồng bưởi Diễn. Năm đầu tiên đưa cây bưởi Diễn vào 3,5 ha đồng đất xã Ngọc Phụng cho năng suất khoảng 4,2 tấn/ha, giá trị kinh tế đạt gần 300 triệu đồng/ha. Đồng chí Vũ Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã trọng điểm ở phong trào cải tạo vườn tạp và đưa cây trồng có múi vào diện tích mía kém hiệu quả kinh tế. Bước đầu cho thấy, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 đến 4 lần so với các loại cây trồng truyền thống. Song, chính quyền xã gặp khó khăn nhất ở việc thay đổi nhận thức, tư duy của người dân trong việc lựa chọn cây trồng mới.
Được biết, nhiều địa phương ở khu vực miền núi như Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thạch Thành... quá trình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với cây trồng truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đều gặp phải những khó khăn, như: Thị trường tiêu thụ các loại nông sản thiếu ổn định, công tác lựa chọn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho canh tác lúa nên khi chuyển đổi sang cây trồng khác chưa có sự thích ứng kịp thời, hiệu quả sản xuất chưa cao. Trình độ và tập quán sản xuất của người dân còn hạn chế nên việc lựa chọn đối tượng cây trồng chuyển đổi và thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn chưa có kế hoạch, giải pháp chuyển đổi đồng bộ về thời vụ, vùng chuyển đổi cây trồng, kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để chuyển đổi cây trồng ở khu vực miền núi đạt hiệu quả kinh tế cao, các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế; mở các cuộc hội thảo, lớp tập huấn để nâng cao trình độ sản xuất cho bà con nông dân. Tích cực thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, địa hình và trình độ canh tác của người dân bản địa để đưa vào chuyển đổi.
.Bài và ảnh: Lê Hòa/ Báo Thanh Hoá