Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội NDVN phát động tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa, lôi cuốn, khích lệ hội viên, nông dân tích cực tham gia.
|
Ông Trịnh Văn Quỳnh thôn Lễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên vay vốn ưu đãi trồng nhãn, nuôi ong lấy mật và đào ao thả cá ( Ảnh: VBSP) |
Hàng năm có 6,2 triệu hộ đăng ký phấn đấu, có 3,2 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (trong đó cấp trung ương, cấp tỉnh chiếm 7%; cấp huyện chiếm 24% và cấp xã chiếm 69%).
Từ Phong trào thi đua đã xuất hiện hàng ngàn tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh. Hàng năm có 1.980 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh trừ chi phí có lãi từ 2 tỷ đồng trở lên, 13.225 hộ có lãi từ 1 tỷ đến 2 tỷ đồng.
Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân tương trợ, giúp đỡ trên 95.000 lượt hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn về giống, vốn, công lao động và nhiều vật tư nông nghiệp khác trị giá hàng chục tỷ đồng để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Để tạo điều kiện về vốn cho hội viên, nông dân, các cấp Hội đã nhận ủy thác vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho 2,3 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay gần 50.000 tỷ đồng, qua 63.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhận ủy thác vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 674.200 lượt hộ vay gần 30.000 tỷ đồng,giúp cho nông dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ngoài ra, bằng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Hội cũng giúp nhiều hộ cón vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Với tổng nguồn vốn đạt 2.192,8 tỷ đồng; trong đó Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương 623,21 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh 1.023,898 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện 311,335 tỷ đồng, cấp xã vận động được 234,357 tỷ đồng đã giúp trên 380.000 lượt hộ nông dân vay vốn sản xuất thông qua 2.807 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết (tổ, nhóm) sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; trong đó có 604 mô hình chăn nuôi, 1.738 mô hình trồng trọt, 267 mô hình nuôi trồng thủy sản, 198 mô hình dịch vụ và các ngành nghề khác.
Đây là một trong các nội dung hoạt động rất thiết thực, hiệu quả, nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất hàng hóa, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Cùng với hỗ trợ vốn, hàng năm các cấp Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp nhận cung ứng trên 150.000 tấn vật tư nông nghiệp, trên 2000 máy nông nghiệp để bán cho nông dân theo phương thức trả chậm không tính lãi giúp cho nông dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, các cấp Hội phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ khí, điện và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 10 triệu lượt hội viên, nông dân; xây dựng trên 9.000 mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Việt GAP; chuyển giao 2.700 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; xây dựng 126 “Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật nhà nông”. Các cuộc thi do Hội tổ chức như Hội thi “Nhà nông đua tài; “Nhà nông sáng tạo”, đã có hàng ngàn sáng kiến của nông dân tự sáng chế, tự nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất.
Các cấp Hội phối hợp tuyên truyền được 110.250 cuộc cho hơn 8,82 triệu lượt hội viên, nông dân và trực tiếp tổ chức 3.900 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho 127.970 lượt cán bộ Hội.
Theo HND
Giai đoạn 2011-2020, các cấp Hội đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng được 14.604 mô hình kinh tế tập thể. Trong đó có 650 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ (với 1.950 thành viên tham gia) và 13.954 tổ hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, tiêu thụ nông sản (với 209.310 thành viên tham gia).
Trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp và phối hợp tổ chức đào tạo ngắn hạn, nâng cao kiến thức nghề làm nông nghiệp cho trên 1.684.000 lượt nông dân chủ yếu là nông dân đã có nghề làm nông nghiệp nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp... đạt trên 90%.
Nội dung và phương thức hoạt động của Hội có nhiều đổi mới, đã gắn việc tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ nông dân, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, tiêu thụ nông sản, dạy nghề cho nông dân, từ đó ngày càng nâng tầm phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.