Bà Nguyễn Thị Thành Thực đề xuất với tỉnh Đồng Tháp nên phát triển thêm nhiều hợp tác xã để đủ nhân lực thực hiện cấp mã vùng, đảm bảo cho truy xuất nguồn gốc nông sản. Bà cho rằng, quy định về truy xuất nguồn gốc là cơ hội lớn nhất chưa từng có để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam, đầu tiên là thay đổi tư duy của người sản xuất, người quản lý hành chính nhà nước. Bà Thực khẳng định, mất thị trường Trung Quốc trong thời điểm này này thì nông sản Việt Nam cực kỳ khó khăn, nếu Trung Quốc mất nguồn cung nông sản từ Việt Nam thì không sao cả, vì họ có nhiều lựa chọn.
Sản xuất theo tư duy kinh tế nông nghiệp
Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, trước sự thay đổi và đầy biến động của thị trường thì không thể tự bằng lòng với kết quả đạt được hôm nay. Sắp tới, ngành nông nghiệp phải tiếp tục kết nối, ghi nhận thông tin hữu ích từ những nhà thương mại, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước... để chuyển tải đến với người dân về yêu cầu thị trường, tiêu chuẩn nông sản, điều kiện kỹ thuật đối với nông sản.
Đồng Tháp đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, do đó, ông Hoan yêu cầu báo cáo của ngành nông nghiệp phải đưa vào nội dung về phát triển thị trường (bởi đầu thị trường sẽ khơi thông được đầu sản xuất), trong đó có sự tham gia của các lĩnh vực khác: Khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông, công thương; tích hợp cả thông tin từ doanh nghiệp, thương lái...
Nói đến vai trò của ngành Công Thương, ông Hoan cho rằng, ngành không chỉ bán hàng đơn thuần mà trong quá trình đó phải nắm bắt thông tin thị trường và phản hồi lại cho bà con để có sự điều chỉnh phù hợp, quan trọng hơn hết là phản hồi một cách nhanh chóng.
Tiếp tục khẳng định, đối với Đồng Tháp thì nông nghiệp vẫn là thế mạnh và còn nhiều dư địa để phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương gợi ý các địa phương mạnh dạn đặt mục tiêu cao hơn để tiên phong phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Ông Dương chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tự rà soát ở ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách để vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, ngành nông nghiệp phải hỗ trợ, định hướng, đào tạo để nông dân chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng nhanh với sự thay đổi này, trước mắt là xây dựng và triển khai kế hoạch đăng ký mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản. Ngành công thương phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng cường tiếp cận các kênh bán lẻ, bán hàng online, tập huấn thiết kế bao bì, nhãn hiệu, hỗ trợ quảng bá và xây dựng thương hiệu.
Thể hiện quyết tâm đưa nông nghiệp phát triển, ông Dương nhấn mạnh, Đồng Tháp có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, có nhiều loại trái cây ngon, nổi tiếng. Các Hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Vấn đề còn lại là bà con nông dân phải chủ động thay đổi để thích ứng với các rào cản kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhằm cải thiện thu nhập từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Đồng Tháp có nhiều mô hình mới, cách làm hay Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Tháp đầu tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Đồng Tháp có điều kiện rất tốt để sản xuất, phát triển nông nghiệp. Và trên thực tế, trước đây Đồng Tháp là vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hiện nay không chỉ có cây lúa mà Đồng Tháp còn có Làng hoa Sa Đéc, nổi tiếng về những mặt hàng cá tra, xoài Cao Lãnh, sen và nhất là trái xoài đã thâm nhập được thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand... Tỉnh có nhiều mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, như: canh tác lúa lý tưởng, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”... Qua khảo sát thực tế mô hình Hội quán, Chủ tịch Quốc hội nhận xét đây là mô hình rất sáng tạo của Đồng Tháp. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến thăm mô hình này và đánh giá rất cao. Nơi đây đã liên kết nông dân để tuyên truyền kiến thức trong sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Mô hình này còn kết nối tri thức giữa các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp với nông dân, đáng chú ý là kết nối giữa kinh tế nông nghiệp với văn hoá. |