Tập trung đất đai SX hàng hóa, hãy để nông dân và DN tự thỏa thuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ |
Tích tụ, tập trung ruộng đất là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là một tất yếu khách quan trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tích tụ, tập trung ruộng đất là điều kiện để hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi cho việc đưa nhanh cơ giới hóa, góp phần tăng năng suất lao động, đầu tư tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, tăng giá trị trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người nông dân.
Để thực hiện chủ trương đó, nhiều địa phương đã vận động nông dân và tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, theo các phương thức khác nhau. Một số nơi, chính quyền địa phương đã thu hồi đất các nông, lâm trường và cho các doanh nghiệp thuê lâu dài.
Ở một số nơi khác, chính quyền đã vận động nông dân góp vốn cho các doanh nghiệp bằng đất đai để cùng chia lợi nhuận. Ở một số nơi khác nữa, chính quyền đền bù đất cho dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại. Một số doanh nghiệp có điều kiện đã bỏ vốn ra mua quyền sử dụng đất của nông dân để tiến hành sản xuất, v.v. Mỗi phương thức nêu trên đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định nhưng khi xảy ra rủi ro, sản xuất không có hiệu quả thì phần thua thiệt chủ yếu lại là người nông dân.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là một định hướng chính sách lớn hiện nay. Thực tế đã có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả như sản xuất rau, hoa, cây cảnh, chè chất lượng cao... ở Lâm Đồng và một số địa phương khác. Tuy nhiên nhận thức của một bộ phận cán bộ về việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp lớn còn phiến diện. Có ý kiến quan niệm thu hút doanh nghiệp để khai thác đất đai tốt hơn và tạo sự tăng trưởng cho địa phương của mình cao hơn nhưng ít quan tâm đến đời sống, thu nhập của người nông dân.
Trong thực tế, Việt Nam có dân số làm trong nông nghiệp chiếm trên 65% dân số nhưng đất đai bình quân rất thấp và phân tán, nhỏ lẻ (khoảng 0,3 ha đất canh tác/hộ) lại quá phụ thuộc vào thiên nhiên, rủi ro cao. Chính vì thế mục tiêu chủ yếu thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp là để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động của người nông dân và cải thiện đời sống của họ. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp tích cực đầu tư vào nông nghiệp thì Nhà nước phải có chính sách khuyến khích hợp lý bảo đảm hài hòa lợi ích của nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Để góp phần thực hiện được các mục tiêu trên, việc xác định, lựa chọn phương thức tích tụ ruộng đất phù hợp là rất quan trọng. Trong các phương thức đó thì phương thức doanh nghiệp thuê đất của nông dân để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp là sự lựa chọn phù hợp.
Đây là phương thức doanh nghiệp và các hộ nông dân có đất thỏa thuận ký hợp đồng thuê đất để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp với giá cả hợp lý. Phương thức này giúp người nông dân hằng năm có nguồn thu ổn định từ tiền cho thuê đất lại không lo mất ruộng vì không phải trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho chủ doanh nghiệp thuê đất.
Nếu hộ nông dân chưa có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp và có nhu cầu làm ruộng thì chủ doanh nghiệp có thể ký hợp động lao động, tạo việc làm cho người cho thuê đất. Về phía chính quyền cũng yên tâm về hậu quả nếu người nông dân mất đất trở nên thất nghiệp. Đối với doanh nghiệp, khi phải bỏ vốn ra thuê đất nông nghiệp thì phải tính toán rất kỹ diện tích cần thuê và phương án sản xuất lâu dài thế nào để có hiệu quả nhất nên hạn chế được tình trạng để lãng phí đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trong thực tế đã có một số doanh nghiệp lợi dụng chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất, chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao để lập các dự án đầu tư và vay vốn lãi suất ưu đãi. Khi được chính quyền cho thuê đất lâu dài đã tùy tiện hoặc kiến nghị chính quyền cho thay đổi mục đích sử dụng như chuyển sang đất thương mại để trục lợi... Rõ ràng phương thức doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng thuê đất của hộ nông dân là phương thức phù hợp nhất hiện nay rất đáng được các cấp chính quyền vận động hộ nông dân và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện.
Để phương thức tích tụ, tập trung ruộng đất trên có hiệu quả, người nông dân và doanh nghiệp phải thảo luận chặt chẽ giá cả cho thuê và các điều khoản trong hợp đồng. Chính quyền phải làm đúng chức năng quản lý nhà nước theo pháp luật để giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện hợp đồng, bảo vệ lợi ích cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp.
Theo Nguyễn Thế Trung/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn