Theo ý kiến của Đại biểu Trương Văn Vở, Nghị quyết số 69/2013/QH13 của Quốc hội đã yêu cầu Bộ NNPTNT “trong năm 2014, hoàn thành việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp; tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm”, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp, lộ trình cụ thể để tổ chức thực hiện có kết quả những vấn đề nêu trên.
Vấn đề Đại biểu Trương Văn Vở chất vấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
Thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về quản lý vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn thực phẩm cần thực hiện đồng thời các giải pháp. Kết quả thực hiện của từng giải pháp như sau:
Về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Để quản lý vật tư nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 20/2014/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2014 quy định một số nội dung về phân công và thẩm quyền quản lý vật tư nông nghiệp.
Để hướng dẫn xây dựng, công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, Bộ đã ban hành Thông tư số 48/2014/TT-BNNPTNT ngày 16/12/2014 hướng dẫn quản lý, xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, công bố tiêu chuẩn quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Bộ NNPTNT; Thông tư số 07/2015/TT-BNNPTNT ngày 14/2/2015 hướng dẫn chất thuận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài trong các hoạt động thuộc phạm vi quản lý của Bộ NNPTNT.
Năm 2014, đã công bố 74 tiêu chuẩn và ban hành 33 quy chuẩn
Về tổ chức thực hiện, Bộ NNPTNT đã rà soát các tiêu chuẩn quốc gia gắn liền với kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và bảo vệ con người, môi trường để chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Cập nhật, rà soát tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài mà Việt Nam chưa có, phù hợp với điều kiện của Việt Nam để chấp thuận áp dụng và chuyển đổi thành tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).
Phê duyệt kế hoạch 239 tiêu chuẩn và 116 quy chuẩn hoàn thành trong năm 2014, 2015 nhằm hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
Năm 2014, đã công bố 74 TCVN và ban hành 33 quy chuẩn Việt Nam (QCVN).
Tổng hợp đến ngày 31/12/2014, thuộc phạm vi quản lý của Bộ NNPTNT có 585 TCVN và 204 QCVN đã được công bố, ban hành, trong đó phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm đã công bố 171 TCVN và ban hành 94 QCVN.
Cụ thể:
- Giống cây trồng nông nghiệp có 24 tiêu chuẩn và 42 quy chuẩn.
- Phân bón và nguyên liệu sản xuất phân bón có 38 tiêu chuẩn.
- Thuốc bảo vệ thực vật có 35 tiêu chuẩn và 26 quy chuẩn.
- Thuốc thú y có 21 tiêu chuẩn và 3 quy chuẩn.
- Giống vật nuôi trên cạn có 11 tiêu chuẩn và 14 quy chuẩn.
- Thức ăn và chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi có 22 tiêu chuẩn và 7 quy chuẩn.
- Thức ăn và chất bổ sung trong thức ăn thủy sản có 1 quy chuẩn.
- Giống thủy sản có 2 tiêu chuẩn và 1 quy chuẩn.
- Dụng cụ đánh bắt thủy sản, các thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong thủy sản có 5 tiêu chuẩn.
- Giống cây trồng lâm nghiệp có 11 tiêu chuẩn.
- Phụ gia hóa chất dùng trong lâm nghiệp 2 tiêu chuẩn.
Đến hết năm 2015, ngành NNPTNT sẽ cơ bản hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, đối tượng là vật tư nông nghiệp rất rộng, luôn thay đổi và phát sinh theo quá trình vận động, phát triển của thị trường (giống cây trồng, cây lâm nghiệp, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, lưới và ngư cụ…) nên trong thời gian ngắn (1 năm) khó có thể hoàn thiện đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Trong một số trường hợp, căn cứ khoa học để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho nhiều đối tượng chưa đầy đủ và chưa được kiểm chứng trong điều kiện sản xuất tại Việt Nam để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng.
Định hướng để nhà sản xuất tự công bố tiêu chuẩn cơ sở
Về giải pháp thực hiện, sẽ tăng tỷ lệ TCVN hài hòa với tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn quốc tế. Trong điều kiện phù hợp, có thể chấp thuận tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế để áp dụng.
Nâng cao nhận thức về công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các đơn vị thực hiện và các đơn vị được giao quản lý xây dựng.
Xã hội hóa công tác tiêu chuẩn. Đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 1 (theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa) cần định hướng để nhà sản xuất tự công bố tiêu chuẩn cơ sở để quản lý chất lượng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn