Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” diễn ra sáng 2/7, do Báo NTNN tổ chức dưới sự phối hợp chỉ đạo của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) và Bộ Công Thương.
Bà Lisa Winthrop - Tham tán Nông nghiệp, chuyên gia thương mại hóa giống cây của New Zealand cho biết, có tới 4 yếu tố quan trọng giúp nông sản thành công trong chuỗi hội nhập quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng tới vai trò dẫn dắt của Chính phủ.
Các đại biểu là chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp, nông dân... tham dự hội thảo. Ảnh: Đ.D
Bà Lisa nói: “Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng những nhu cầu của doanh nghiệp, liên kết chặt chẽ giữa các bên để hiểu được mục tiêu của thị trường và đưa ra các sản phẩm cung cấp đúng đắn: Sản phẩm nào cho thị trường đó... Từ đó, giúp các sản phẩm nông sản vượt qua hàng rào phi thuế quan, các tiêu chuẩn kỹ thuật mà CPTPP đề ra chặt chẽ. Chính phủ chúng tôi làm việc hàng năm với hiệp hội các nhà xuất khẩu để lắng nghe doanh nghiệp, những tiêu chí đánh giá để thúc đẩy những thứ tự ưu tiên một cách linh hoạt, thay đổi hàng năm để ưu tiên các ngành hợp lý, phù hợp với nhu cầu và xu hướng thị trường…”.
Theo bà Lisa, đặt ra mục tiêu mang tính dài hạn là cần thiết cho bài toán phát triển bền vững nền nông nghiệp của một quốc gia, trong đó có Việt Nam. “Không cần là nhà sản xuất lớn nhất nhưng mang lại nhiều lợi nhuận nhất” - vị này nhấn mạnh thêm.
Để giải bài toàn phát triển bền vững trong sân chơi chung quốc tế, ông Hong Sun - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng các khu chợ đầu mối quy mô lớn và hiệu quả. “Đây là yếu tố quan trọng, tại chính đất nước chúng tôi công tác này rất được chú trọng và hiện chợ đầu mối Hàn Quốc là một trong những chợ đầu mối lớn nhất thế giới. Chợ đầu mối phải có hệ thống đấu giá để nông dân có thể bán ra với giá tốt và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi, chính quyền chỉ đóng vai trò trung gian để việc mua bán diễn ra đúng luật, thuận lợi” - ông Hong Sun nêu rõ.
Cùng với đó, Việt Nam cần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, công bằng với tất cả các nhà đầu tư. Và quan trọng nhất, là phải giữ được uy tín khi hợp tác làm ăn với các thương nhân nước ngoài.
Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia quốc tế cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Hai là, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Cuối cùng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Theo Thúy Lê/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/hien-ke-vuot-thach-thuc-tan-dung-co-hoi-tucptpp-993362.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn