Mô hình cung cấp giống gà Ai Cập 15 ngày tuổi cho 6 hộ ở xã Nậm Giải, quy mô 250 con/hộ. Trước khi đưa gà vào nuôi, bà con được tập huấn về kỹ thuật làm chuồng, xây dựng hệ thống xử lý phân, nước thải, kỹ thuật vệ sinh phòng bệnh. Trước và trong khi nuôi, chuồng nuôi được sát trùng bằng benkocid, máng ăn máng uống luôn sạch sẽ, xung quanh khu vực nuôi quét dọn sạch sẽ và rắc vôi bột.
Mô hình thực hiện theo phương thức bán chăn thả, ngày thả, đêm nhốt lại, khoanh vùng khu vực nuôi, không nuôi chung với bất cứ đối tượng khác.
Trong quá trình nuôi, các hộ được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Ngoài thức ăn hỗn hợp được hỗ trợ, chủ hộ cũng tận dụng thức ăn sẵn có (ngô, lúa, đầu tôm…) bổ sung thêm.
Tuy nhiên, trong thời gian nuôi, gặp thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, gà giống mới chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu vùng nên mắc một số bệnh như cầu trùng, ho hen… và được điều trị kịp thời.
Sau 10 tháng nuôi, trọng lượng gà đạt bình quân 1,6 kg/con (phương pháp cũ đạt 1,2 kg/con). Tỷ lệ nuôi sống đạt 93%, cao hơn phương pháp nuôi truyền thống (chỉ đạt 70 - 75%). Tỷ lệ mái đẻ cao 98%, tỷ lệ ấp nở cao 81%.
Tại thời điểm tổng kết mô hình đã cho thu nhập vượt trội so với cách nuôi truyền thống. Tổng chi 163.025.000 đồng/250 con, tổng thu 198.600.000 đồng/232 con (gồm thu từ bán trứng, bán gà con, giá trị con gà mẹ sau 1 năm kể từ nghiệm thu, khấu hao máy ấp), thu lãi 35.575.000 đồng/232 con, trong khi nuôi đại trà chỉ được 17.472.000 đồng/200 con.
Mô hình không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, cung cấp sản phẩm (trứng, thịt, con giống…) an toàn cho người tiêu dùng, không gây ô nhiễm, mà còn tạo điều kiện cho nông dân giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau làm giàu.
Sau khi kết thúc mô hình, các hộ đã chủ động cung cấp con giống cho bà con trong vùng, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn