Là một xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Trên nền tảng xã nông thôn mới, Đốc Tín đã mạnh dạn đưa giống cây, con mới vào sản xuất, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung...
|
Gia đình ông Lê Văn Thống (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) trồng bòng cho thu nhập cao. |
Đốc Tín nổi tiếng là "vựa nhãn" của Mỹ Đức. Trước đây, trong vườn của các hộ ở Đốc Tín đều có vài gốc nhãn. Từ nhu cầu phục vụ gia đình, cây nhãn trở thành cây ăn quả chủ lực phát triển mạnh trong xã. Là một trong những hộ thành công với mô hình chuyển đổi sang phát triển chăn nuôi và cây ăn quả, anh Nguyễn Văn Trường, một hộ dân trong thôn, chia sẻ: "Thực hiện chủ trương của xã, ngoài phần diện tích của gia đình, tôi đã thuê thêm của những hộ lân cận để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn và trồng nhãn. Với diện tích hơn 3ha, đến nay trang trại của gia đình tôi trồng khoảng 600 gốc nhãn đã cho thu hoạch; nuôi gần 500 con lợn nái và ao thả cá. Trung bình mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 500 triệu đồng".
Ngoài mô hình vườn - ao - chuồng, hiện Đốc Tín còn phát triển mạnh mô hình trồng nhãn, nuôi ong lấy mật kết hợp thí điểm một số cây ăn quả mới như bưởi Diễn. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Công Bính đã đấu thầu 1ha tại khu Bãi để trồng nhãn, bưởi Diễn. Hiện, với 200 gốc nhãn lồng Hưng Yên, 100 gốc bưởi Diễn, trung bình mỗi năm vườn cây ăn quả gia đình anh Bính thu được hơn 300 triệu đồng.
Không chỉ chuyển đổi sang cây ăn quả, nhiều hộ sau dồn điền đổi thửa đã mạnh dạn thuê thêm đất để mở trang trại chăn nuôi, nuôi ong, nấm, trồng hoa, rau... từng bước đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo thống kê của UBND xã Đốc Tín, các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế gấp từ 5 đến 10 lần so với trồng lúa.
Để tiếp tục nhân rộng và phát triển bền vững các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hằng năm, xã Đốc Tín phối kết hợp với các đoàn thể mời chuyên gia kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội; phòng, ban chuyên môn của huyện Mỹ Đức và doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng... mở các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao, đào tạo cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, UBND xã còn giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các quỹ, hội, ngân hàng... nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo Chủ tịch UBND xã Đốc Tín Trần Đình Mỳ, để nông dân bám ruộng, vươn lên làm giàu từ đồng ruộng, xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, xã đã chuyển đổi gần 40ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, xã chú trọng phát huy lợi thế từ cây nhãn để phát triển những vườn nhãn chuyên canh, chất lượng cao. Thực hiện mục tiêu đó, những năm gần đây, với sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội, xã tiến hành đưa những giống nhãn mới vào sản xuất, thực hiện ghép mắt giống nhãn sớm cho hơn 500 cây để quả chín rải vụ. Từ cây nhãn, nhiều hộ đã kết hợp nuôi ong lấy mật.
Bên cạnh đó, Đốc Tín quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, rau, hoa chuyên canh. Hướng đi thời gian tới của xã tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng. Mặt khác, xã khôi phục và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, hướng đến cung ứng các sản phẩm tơ tằm cho những vùng sản xuất lụa trong nước. Tuy nhiên, để khôi phục nghề truyền thống này, Đốc Tín rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, UBND huyện Mỹ Đức... về quy hoạch, nguồn giống, thị trường cung ứng...
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã khẳng định hướng đi đúng đắn của chính quyền và người dân Đốc Tín. “Được công nhận là xã nông thôn mới từ năm 2015, Đốc Tín tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí về nông thôn mới. Toàn xã Đốc Tín đang dồn sức để xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới” - Chủ tịch UBND xã Đốc Tín Trần Đình Mỳ khẳng định.
Đỗ Minh/ Hà Nội mới