Chị Đào Thanh Hảo hướng dẫn công nhân sao chè đúng kỹ thuật |
Chị Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX chè Hảo Đạt gắn bó với cây chè đã hơn 20 năm. Năm 2017, Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh chè Hảo Đạt đã phát triển thành HTX chè Hảo Đạt với 40 thành viên trực tiếp và liên kết.
HTX chè Hảo Đạt hiện có hơn 6 ha trồng chè và các hộ liên kết đạt 35 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Hệ thống nhà xưởng có tổng diện tích trên 1.000m2, dây chuyền sản xuất khép kín, được tự động hóa 70%; công suất từ 4,0 - 4,5 tấn chè búp tươi/ngày. Bình quân mỗi năm, HTX chế biến 1.500 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường từ 250 - 300 tấn chè búp an toàn, chất lượng cao, với các dòng sản phẩm chính như: Chè Đinh, chè Tôm Nõn, chè Móc Câu, chè Bát Tiên, chè truyền thống…Doanh thu hàng năm của HTX trung bình đạt khoảng 4-5 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5–2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5-6,0 triệu đồng/người/tháng và khoảng 30 lao động thời vụ với mức lương thỏa thuận.
Ngoài ra, hàng năm HTX còn thường xuyên giúp 15 hộ nghèo về vốn với số tiền 10-15 triệu đồng/hộ không lãi suất, hỗ trợ về kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, chế biến chè đặc sản, hiện đã có 4 hộ vươn lên có cuộc sống ổn định và phát triển kinh tế, trở thành những hộ khác giả trong xóm. Chị Nguyễn Thị Lê, xóm Y Na xã Tân Cương cho biết: Tôi được HTX chè nhận vào làm được ba năm. Làm ở đây vừa quen việc, gần nhà lại cho thu nhập ổn định, từ 5-6 triệu đồng/tháng.
HTX Gà đồi Đông Thịnh (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình) thành lập năm 2014, hiện có 10 hộ thành viên với khuôn viên vườn đồi, chuồng trại chăn nuôi gà rộng trên 10ha. HTX áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP. Với ưu thế diện tích đất chăn nuôi rộng lớn, HTX đã xây dựng thương hiệu “Gà đồi Đông Thịnh”. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX gà đồi Đông Thịnh cho biết: Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Hợp tác xã thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học. Dự án xây dựng 4 mô hình gồm: Chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học; chăn nuôi gà thịt đảm bảo an toàn sinh học; sản xuất thức ăn cho gà sinh sản, gà thịt; chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Dự án đã ký hợp đồng với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chuyển giao các quy trình kỹ thuật như: Chăn nuôi, phòng bệnh trong chăn nuôi gà sinh sản, gà thịt an toàn sinh học; sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gà sinh sản, gà thịt... Mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học với quy mô 50 nghìn con gà Ri lai thịt phát triển tốt, tỷ lệ sống đến khi xuất chuồng đạt 95,6%, trọng lượng xuất chuồng ở 15 tuần tuổi bình quân đạt gần 2kg/con.
Đến nay, các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị từng bước được hình thành trên địa bàn tỉnh. Đã có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, với nhiều cách làm hay, sáng tạo và trở thành mô hình HTX điển hình tiên tiến toàn quốc như: HTX chè Tân Hương, HTX chè Minh Thu, HTX chè Hảo Đạt (Thành phố Thái Nguyên), HTX chè La Bằng, HTX rau an toàn Hùng Sơn (xã La Bằng, huyện Đại Từ), Miến Việt Cường, HTX chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm (huyện Phú Bình)…
Toàn tỉnh hiện có 509 HTX và 2 Liên hiệp HTX với trên 42.000 thành viên và người lao động, trong đó có trên 400 HTX hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có 62 mô hình Hợp tác xã điển hình tiên tiến của tỉnh và toàn quốc. Doanh thu của các hợp tác xã năm 2019 đạt trên 3.100 tỷ đồng.
Ông Dương Văn Lượng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thái Nguyên có một số sản phẩm nông sản chủ lực có thế mạnh, đạt tiêu chuẩn OCOP như: Các sản phẩm từ cây chè, rau, củ quả, các mặt hàng nông sản, gia súc, gia cầm... Tuy nhiên, trên thực thực tế, các HTX còn hạn chế về khâu quảng bá, đầu mối tiêu thụ hàng hóa chưa nhiều. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, các tổ chức, các Hiệp hội, siêu thị, các trung tâm thương mại, thương nhân, các chợ đầu mối trên cả nước đến với Thái Nguyên, tiếp cận, kết nối và tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.