Được xác định là một trong ba phong trào lớn của hội, trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) được các cấp hội nông dân thành phố đặc biệt quan tâm, thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Thông qua phong trào, các cấp hội nông dân thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, cụ thể như tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, tổ chức các lớp dạy nghề; hỗ trợ nông dân mua máy móc nông nghiệp, vật tư, phân bón; triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án làm điểm để hội viên, nông dân học tập và nhân rộng.
Từ năm 2015 đến nay, hội đã phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 20.850 lượt cán bộ, hội viên nông dân; phối hợp mở 20 lớp dạy nghề ngắn hạn tại phường Đông Cương, Đông Vệ, Quảng Thắng... Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố còn làm tốt vai trò cầu nối giữa các ngân hàng với hội viên, nông dân địa phương, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, tổng số vốn ủy thác của các ngân hàng là trên 279 tỷ đồng cho 7.295 hộ vay phát triển sản xuất. Hội đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, cung ứng chậm trả hàng nghìn tấn phân bón các loại cho nông dân, bảo đảm chất lượng. Hoạt động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân cũng được các cấp hội chú trọng, đến nay tổng nguồn quỹ do hội đang quản lý và sử dụng là trên 1 tỷ đồng, đây cũng là nguồn vốn quan trọng giúp xây dựng các mô hình sản xuất để tuyên truyền cho nông dân thực hiện. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. TP Thanh Hóa hiện đã có 10.719 hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân SXKDG các cấp. Cùng với phong trào SXKDG, các cấp hội nông dân thành phố còn tích cực vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua đó, đã phát huy ý chí tự lực, tự cường khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi người, mỗi gia đình và của cả cộng đồng tạo thành sức mạnh để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đến thăm gia trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Quang, ở thôn 5, xã Thiệu Vân, chúng tôi được biết, trước đây nguồn thu nhập của gia đình anh Quang chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2011 anh Quang vay vốn đầu tư mua thỏ về nuôi. Nhờ chịu khó chăm sóc và được sự giúp đỡ của hội nông dân xã, hiện nay mô hình chăn nuôi của gia đình anh Quang có trên 2.000 con thỏ. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình anh lãi trên 100 triệu đồng. Gia đình anh Lê Văn Hạnh, ở phố Kết, phường Đông Thọ với mô hình trồng hoa, cây cảnh; ngoài 1 ha đất tại địa phương, gia đình anh còn thuê thêm 5 ha đất ở xã Quảng Phong (Quảng Xương) và 5 ha đất ở xã Hoằng Quang để mở rộng diện tích, xây dựng trang trại. Hàng năm sau khi trừ chi phí gia đình anh có lãi từ 1 đến 1,2 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các ngành nghề phụ và tham gia kinh doanh dịch vụ; hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật cho nông dân phát triển, mở rộng sản xuất để ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế cho thu nhập cao.
Bài và ảnh: Quốc Hương/ Báo Thanh Hóa