Nhờ nuôi gà kết hợp trồng rau màu, ông Chương đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi
Lồng ghép tuyên truyền với các mô hình
Theo Hội nông dân Việt Nam tỉnh Long An, hơn 5 năm qua, phát huy công tác tuyên truyền miệng, các cấp Hội vận động hội viên tham gia nhiều phong trào do Trung ương hội, Tỉnh hội phát động, các địa phương xây dựng 3 mô hình điểm lồng ghép tuyên truyền tại xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh; xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa và xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước. Hiện toàn tỉnh triển khai nhân rộng trên 200 mô hình, góp phần tác động tốt về tiêu chí môi trường.
Mô hình "Đường quê an toàn" với "7 không" về đường bộ và "5 biết" về đường thủy do các chi hội, tổ hội cam kết thực hiện bằng việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Đến nay, mỗi cơ sở có ít nhất 3 mô hình hoạt động tốt. Mô hình mua, sử dụng và đọc báo Hội gắn với xây dựng tủ sách Hội ở các chi hội và phát hành tờ tin của Tỉnh hội, các tài liệu, tờ bướm đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để nông dân trao đổi, học tập và áp dụng khoa học-kỹ thuật, cách làm hay vào sản xuất,...
Công tác tuyên truyền miệng còn gắn với các hoạt động hỗ trợ nông dân. Thông qua các nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân lên đến hơn 18 tỉ đồng và vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ hơn 788 tỉ đồng; các hoạt động chuyển giao khoa học-kỹ thuật,... giúp nhiều nông dân vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng.
Với sự đóng góp của hội viên nông dân, nhiều tuyến đường giao thông được xây dựng
Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ lâu trở thành phong trào thi đua yêu nước được các cấp Hội duy trì. Qua đó, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể điển hình, khuyến khích và thu hút hàng trăm ngàn hộ hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2010, có trên 68.000 hộ; đến năm 2015, có trên 82.000 hộ đạt tiêu chuẩn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 3 cấp. Phong trào góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương trong tỉnh. Nhờ phong trào này đã giúp hơn 30.000 lao động có thêm việc làm tại chỗ. Trong 5 năm qua, các cấp Hội tạo điều kiện cho hơn 6.900 hộ hội viên nông dân thoát nghèo.
Khai hoang, lập nghiệp từ những ngày đầu gian khó tại vùng đất biên giới thuộc ấp Kinh Mới, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, đến nay, qua quá trình tích lũy, gia đình ông Nguyễn Đức Trung làm giàu bằng chính sức lao động của mình. 4 thành viên trong gia đình ông chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp. Với diện tích canh tác lên đến 25ha cùng các phương tiện được trang bị như máy cày, máy xịt thuốc, máy rải phân,... phục vụ sản xuất, năm 2015, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi 700 triệu đồng.
“Nông dân quê tôi bây giờ hiện đại lắm! Ai cũng áp dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp, được Nhà nước đầu tư hệ thống đê bao nên năng suất lúa cao rất nhiều lần so với những năm trước đây. Bản thân tôi chịu khó học tập kinh nghiệm, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên công việc rất tiện lợi. Để phục vụ sản xuất, gia đình tôi mướn thường xuyên 20 lao động, vừa đáp ứng nhu cầu gia đình, vừa giúp bà con có việc làm ổn định”. Ông Nguyễn Đức Trung |
Tham gia xây dựng nông thôn mới
Những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là một trong những nhân tố tích cực đóng góp XDNTM. Hàng năm, họ đóng góp bằng tiền của, đất đai, ngày công,... trị giá trên 70 tỉ đồng, góp phần chỉnh trang nơi ở, đường làng, ngõ xóm, tập trung đầu tư sản xuất, xây dựng các công trình thực hiện các tiêu chí xã NTM,...
Bản thân là phụ nữ lại vừa làm cha, vừa làm mẹ để chăm lo cho 4 đứa con, vậy mà bà Trần Thị Năm, ở ấp Xóm Than, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh rất chịu khó lao động, phát triển kinh tế gia đình. Bà nhận được bằng khen UBND tỉnh, bằng khen Thủ tướng Chính phủ vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2009-2013.
Dựa vào trồng lúa, bà Năm có nhiều đóng góp xã hội
Với 7ha lúa 3 vụ và trồng 0,5ha cây kiểng, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu được 400 triệu đồng. Không chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình, bà còn tích cực tham gia tốt các phong trào ở địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động; tặng quà cho gia đình hội viên nông dân nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi, học sinh nghèo hiếu học với số tiền 50 triệu đồng/năm. Chỉ tính trong 3 năm từ 2013-2015, bà vận động xây dựng 3 cây cầu giao thông nông thôn, trị giá 400 triệu đồng.
“Tôi thấy người dân quê mình còn nhiều khó khăn nên việc xây cầu trước hết là đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân được thuận tiện. Đó là điều đáng mừng!” - bà Năm nói.
Ngoài những phong trào trên, điểm nhấn trong công tác tuyên truyền chính là xây dựng các câu lạc bộ nông dân (hiện có trên 280 câu lạc bộ với hơn 5.100 thành viên) thường xuyên sinh hoạt gắn với các hoạt động về pháp luật. Hội củng cố 188 đội tuyên truyền viên và hàng năm đều tập huấn, hướng dẫn nhằm trang bị cho cán bộ Hội cơ sở về kỹ năng tuyên truyền miệng, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình,...
Qua công tác tuyên truyền, vận động phong trào XDNTM và sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp Hội nông dân tập trung xây dựng và củng cố, từng bước nâng dần về chất lượng, tổ chức và hoạt động của hội./.
Theo Báo Long An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn