Cơ sở hạ tầng các khu định cư ở Ðắk Nông được quan tâm đầu tư |
Ðẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất
Tại xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp), bằng những cách làm cụ thể, xã đã từng bước giúp người dân đẩy mạnh việc thâm canh, tăng năng suất cây cà phê. Chú trọng việc phối, kết hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, kỹ thuật thu hái, bảo quản… Nhờ đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ mới vào sản xuất cà phê, cộng với việc nhân rộng các mô hình về chăn nuôi bò, heo theo hướng quy mô lớn nên thu nhập bình quân của các hộ dân trong xã tăng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đã đạt gần 37 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, để nâng cao tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, Đắk Wer đã khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân sản xuất. Hiện nay, địa phương đã có 5 doanh nghiệp liên kết với hàng ngàn hộ dân sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế. Toàn xã cũng đã thành lập được 2 hợp tác xã và 11 nhóm đồng sở thích hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả.
Huyện Đắk R’lấp cũng chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông lâm như: Hợp tác xã Đồng Tiến phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất giống chất lượng cao, doanh thu hằng năm đạt 25 tỷ đồng; Công ty TNHH Nông sản Hương Quế liên kết với nông hộ để sản xuất tiêu sạch... Từ đó, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên. Kết quả là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn 6,1% năm 2015, các hộ khá, giàu tăng lên, khoảng cách giàu nghèo từng bước được thu hẹp.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, đến nay, toàn tỉnh có 81 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; trong đó có 37 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 44 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Toàn tỉnh có 179 tổ hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có 3 tổ hợp tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân ngày càng nhận thức cao hơn về sự liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh để có thể phát triển. Đây là động lực để các xã có thể huy động tốt sức dân vào các tiêu chí cơ sở hạ tầng, phát triển NTM toàn diện hơn.
Phấn đầu có 18 xã về đích NTM
Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu có 18 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 29,5%; các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên và có 1 huyện đạt chuẩn NTM. Về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 61 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 57 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo, 61 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất...
Để đạt được mục tiêu này, toàn tỉnh sẽ huy động được mọi nguồn lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cho NTM. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ tiếp tục củng cố và đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Bằng những phương thức khác nhau, ngành chức năng, các huyện, thị xã tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi.
Đồng thời, tỉnh cũng hoàn thiện xây dựng chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn…
Đến nay bình quân chung toàn tỉnh đạt 9,3 tiêu chí/xã, tăng so với năm 2011 là 6,2 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 4 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 19 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 37 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn